Theo dự thảo ngân sách năm 2015 vừa được Chính phủ Tây Ban Nha công bố, nợ công của nước này sẽ lên tới 100% GDP trong năm 2015 và sẽ bắt đầu giảm dần vào năm 2017.
Cụ thể, nợ của chính phủ trung ương tại xứ sở Bò tót sẽ tăng lên mức tương đương lần lượt là 100,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm tới và 101,5% GDP trong năm 2016, và sau đó có thể giảm xuống còn 98,5% trong năm 2017.
Dự thảo ngân sách trên cũng ước tính nền kinh tế lớn thứ tư Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) này sẽ có mức nợ công tương đương 97,6% GDP trong năm 2014.
Điều này đồng nghĩa với việc Tây Ban Nha không thể thực hiện đúng theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) là kiểm soát nợ công về mức 60% GDP ít nhất trong ba năm tới.
Trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, nợ công của nước này chỉ ở mức tương đối thấp, tương đương khoảng 36,3% GDP trong năm 2007. Song con số đó đã tăng vọt khi bong bóng bất động sản xì vỡ làm cho hàng triệu người bị mất việc làm.
Bất chấp những biện pháp khắc khổ trong nhiều năm, nợ công của Tây Ban Nha vẫn tăng cao và đã chạm ngưỡng 1.000 tỷ euro (tương đương 1,3 nghìn tỷ USD) tính đến cuối tháng 6/2014.
Chính quyền của Thủ tướng Mariano Rajoy hiện vẫn đang “chật vật” kiềm chế thâm hụt ngân sách bằng cách áp dụng nhiều biện pháp khắc khổ như tăng thuế, trì hoãn tăng lương trong khu vực công và thắt chặt chi tiêu trong giáo dục và y tế, bất chất sự phản đối mạnh mẽ của người dân. Tuy nhiên, đây chưa phải là "liều thuốc" giúp nước này vượt qua "núi nợ công" khổng lồ.
Trong một thông tin liên quan, Chính phủ Tây Ban Nha dự báo kinh tế nước này sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng 1,3% trong năm 2014 và 2% trong năm 2015 (so với mức suy giảm 1,2% trong năm ngoái) và đánh dấu sự phục hồi sau sáu năm khủng khoảng./.