Tây Ban Nha dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, Hy Lạp gia hạn lệnh phong tỏa

Kể từ ngày 21/6, Tây Ban Nha cho phép các du khách từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen nhập cảnh mà không cần phải tự cách ly hai tuần để phòng ngừa lây nhiễm COVID-19.
Hành khách tại một nhà ga ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 19/6/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khẳng định nước này đã bước vào giai đoạn phục hồi sau dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong bài phát biểu trên truyền hình tối 20/6, cũng là thời điểm dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng Sanchez tuyên bố kể từ ngày 21/6, Tây Ban Nha sẽ bước vào giai đoạn bình thường mới, khi cho phép các du khách nhập cảnh từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen không cần phải tự cách ly hai tuần, đồng thời nối lại hoạt động đi lại giữa 17 cộng đồng tự trị của Tây Ban Nha. 

Ông Sanchez nhấn mạnh dù dịch bệnh đã gây nhiều thiệt hại, các biện pháp phong tỏa thời gian qua đã giúp cứu được nhiều sinh mạng.

[Số bệnh nhân COVID-19 tại châu Âu vượt quá 2,5 triệu người]

Do đó, các biện pháp hạn chế như bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội sẽ vẫn được duy trì khi mở cửa kinh tế.

Ông khẳng định khoảng thời gian phục hồi này cần diễn ra nhanh nhất có thể và các doanh nghiệp cần khôi phục hoạt động sớm nhất có thể, bởi theo ông đây là cơ hội để nền kinh tế có thể phát triển bền vững, toàn diện ở cấp độ quốc gia lẫn khu vực.

Bên cạnh mong muốn kinh tế Tây Ban Nha hồi phục, Thủ tướng Sanchez cũng thận trọng về nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai, đồng thời kêu gọi mỗi cá nhân và tập thể cần thể hiện trách nhiệm trong việc phòng tránh lây nhiễm.

Ngoài ra, ông cũng gửi lời cảm ơn đến những nhân viên làm việc trong tuyến đầu chống dịch COVID-19.

Cảnh nhộn nhịp tại một khu phố ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 19/6/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cùng ngày, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez Laya thông báo sẽ cho phép du khách từ Anh vào Tây Ban Nha mà không cần cách ly kể từ ngày 21/6.

Giống như các nước thuộc EU hoặc Schengen, du khách Anh sẽ được kiểm tra nơi xuất phát, nhiệt độ và cung cấp thông tin liên lạc để sẵn sàng theo dõi trong trường hợp cần thiết.

Tuy nhiên, Anh vẫn đang áp dụng biện pháp cách ly 2 tuần đối với du khách nước ngoài. Anh dự kiến xem xét lại quy định này vào ngày 29/6 tới.

Bà Laya cho hay Tây Ban Nha đang thảo luận với Anh về khả năng dỡ bỏ quy định này. 

Du khách từ Anh chiếm tới 20% trong tổng số 80 triệu người tới Tây Ban Nha mỗi năm.

Cả Anh và Tây Ban Nha đều nằm trong số những nước chịu ảnh hưởng mạnh của COVID-19. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 20/6, Tây Ban Nha đã ghi nhận 293.018 ca nhiễm và 28.332 ca tử vong do COVID-19.

Cảnh sát gác bên ngoài trại tị nạn Kleidi ở gần Promahonas, miền bắc Hy Lạp, ngày 21/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cùng ngày, Bộ Di trú Hy Lạp thông báo gia hạn thêm lệnh phong tỏa tại các trại tị nạn đông đúc nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan đến ngày 15/7 tới.

Hy Lạp đã áp đặt các biện pháp hạn chế tại các trại tị nạn vào ngày 21/3 vừa qua, sau đó là lệnh phong tỏa vào ngày 23/3.

Dù chưa ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19 tại khu vực này, mà chỉ mới xuất hiện vài ca nhiễm, song Hy Lạp đã nhiều lần gia hạn các biện pháp phong tỏa.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 20/6, Hy Lạp đã ghi nhận tổng cộng 3.256 ca nhiễm và 190 ca tử vong do COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục