Ngày 3/11, cựu Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puidgemont, người đã rời khỏi Tây Ban Nha để đến Bỉ sau khi chính quyền của ông bị sa thải, tuyên bố ông sẵn sàng tranh cử trong một cuộc bầu cử khu vực sớm ở Catalonia, vốn được kêu gọi diễn ra vào ngày 21/12.
Trả lời kênh truyền hình nhà nước RTBF của Bỉ, ông Puigdemont nói: "Tôi sẵn sàng trở thành một ứng cử viên. Tôi có thể tiến hành chiến dịch tranh cử ở bất cứ đâu. Chúng tôi xem bản thân chúng tôi là một chính phủ hợp pháp. Cần phải tiếp tục nói với thế giới về những gì đang diễn ra ở Tây Ban Nha... Các cuộc bầu cử sẽ không thể là trung lập, độc lập và bình thường nếu như có một chính quyền ở trong tù."
[Tây Ban Nha đe dọa bắt giữ cựu Thủ hiến Catalonia Puigdemont]
Trước đó, báo La Vanguardia cho biết hôm 2/11, một thẩm phán Tây Ban Nha đã ra lệnh bắt đối với ông Puigdemont cùng 4 thành viên trong chính quyền bị giải tán của khu vực này.
Cùng ngày 3/11, Chính phủ Đức tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Tây Ban Nha sau khi nước này ra lệnh bắt giữ 8 thành viên của chính quyền bị giải tán ở vùng tự trị Catalonia để điều tra rõ vai trò của họ liên quan việc khu vực tự trị này đơn phương tuyên bố độc lập hồi tuần trước.
Trả lời các phóng viên, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert khẳng định: "Theo quan điểm của chính phủ liên bang, Tây Ban Nha là một nhà nước pháp quyền và Berlin luôn ủng hộ quan điểm rõ ràng của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. Điều quan trọng đối với chúng ta hiện nay là duy trì sự thống nhất và trật tự hiến pháp của Tây Ban Nha."
Cùng ngày, theo hãng tin Sputnik, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha tuyên bố 3 đạo luật bổ sung, được thông qua như một phần của luật trưng cầu dân ý vùng Catalonia, là vi hiến và quyết định bãi bỏ chúng.
Đây được xem là bước đi tiếp theo của chính quyền trung ương Madrid đối với cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của khu vực Catalonia./.