Tàu vũ trụ Hera - Sứ mệnh bảo vệ Trái Đất khỏi các tiểu hành tinh

Nhiệm vụ của Tàu vũ trụ Hera là nghiên cứu chi tiết về tiểu hành tinh này sau vụ va chạm, thu thập dữ liệu quan trọng để phát triển chiến lược phòng thủ hành tinh hiệu quả hơn trong tương lai.

Tàu vũ trụ Hera. (Nguồn: AP)
Tàu vũ trụ Hera. (Nguồn: AP)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Cơ quan Quan sát thiên văn hoàng gia Bỉ (ORB) đang đóng vai trò quan trọng trong sứ mệnh của tàu vũ trụ Hera thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).

Theo lịch trình phóng có thể bắt đầu từ ngày 7/10/2024 tại Cape Canaveral, Florida (Mỹ), Hera đánh dấu nhiệm vụ bảo vệ hành tinh đầu tiên của châu Âu, góp phần vào nỗ lực toàn cầu bảo vệ Trái đất khỏi mối đe dọa từ các tiểu hành tinh.

Hera là phần tiếp nối của thí nghiệm quốc tế, trong đó tàu vũ trụ DART của NASA đã va chạm vào tiểu hành tinh Dimorphos năm 2022.

Nhiệm vụ của Hera là nghiên cứu chi tiết về tiểu hành tinh này sau vụ va chạm, thu thập dữ liệu quan trọng để phát triển chiến lược phòng thủ hành tinh hiệu quả hơn trong tương lai.

Đóng góp nổi bật của ORB là phát triển thiết bị GRASS (GRAvimeter for Small Solar system objects) cùng công ty Tây Ban Nha EMXYS.

Đây là thiết bị đầu tiên có khả năng đo trực tiếp lực hấp dẫn bề mặt của tiểu hành tinh, yếu hơn lực hấp dẫn của Trái Đất hàng triệu lần.

GRASS sẽ được đặt trên tàu vũ trụ CubeSat Juventas và hạ cánh xuống Dimorphos vào năm 2027. Ngoài ra, ORB còn tham gia nghiên cứu và mô phỏng quá trình hạ cánh của Juventas, đồng thời hợp tác với VITO Remote Sensing để phát triển và phân tích dữ liệu từ thiết bị hình ảnh nhiệt TIRI trên tàu vũ trụ Hera.

Với những đóng góp quan trọng này, các nhà khoa học Bỉ đang tham gia vào nỗ lực bảo vệ Trái đất, đồng thời mở ra những chân trời mới cho nghiên cứu khoa học về hệ Mặt trời.

Mặc dù dự kiến phóng vào 16h52 ngày 7/10 (giờ Bỉ), giai đoạn phóng có thể kéo dài khoảng một tháng, cho phép linh hoạt trong việc lựa chọn thời điểm phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục