Ngày 16/7, một tàu Thổ Nhĩ Kỳ đã nổ sung cảnh cáo vào một tàu tuần duyên của Cộng hòa Cyprus đang tuần tra những người di cư trái phép gần ranh giới kiểm soát ngoài khơi bờ biển phía Bắc của đảo quốc này.
Truyền thông Cyprus đưa tin vụ việc xảy ra cách cảng cá nhỏ Kato Pyrgos khoảng 17,7 km, ngay phía Tây khu vực Ranh giới Xanh (Green line), đường giới tuyến tạm thời do Phái bộ gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc (UNFICYP) quản lý, phân định hai miền lãnh thổ Bắc-Nam Cyprus cắt ngang thủ đô Nicosia.
Đây là vụ việc gây căng thẳng mới nhất trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Cyprus thời gian gần đây.
Cộng hòa Cyprus có tranh chấp chủ quyền trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ. Dù giành được độc lập từ tay thực dân Anh vào năm 1960, nhưng từ đó đến nay, tình hình nội trị trên đảo quốc Cyprus chưa bao giờ ổn định.
[Hy Lạp, CH Cyprus hối thúc EU có quan điểm cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ]
Trên thực tế, từ năm 1974, đảo quốc Cyprus đã bị chia cắt thành hai miền lãnh thổ ở khu vực Bắc -Nam với mâu thuẫn cao độ giữa hai cộng đồng là người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ và người Cyprus gốc Hy Lạp.
Đến năm 1983, với sự trợ giúp từ bên ngoài, cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương thành lập nước "Cộng hòa Thổ Bắc Cyprus" làm đối trọng với Cộng hòa Cyprus (Nam Cyprus), vốn chính thức được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế công nhận.
Vấn đề Cyprus là chủ đề cần quan tâm không chỉ của châu Âu mà của cả thế giới. Mặc cho những nỗ lực của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, các cuộc đàm phán giữa đại diện hai cộng đồng người Cyprus ở hai miền chưa mang lại kết quả đáng kể nào cho tương lai thống nhất của đảo quốc Cyprus./.