Ngày 24/12, tàu tiên phong thăm dò Mặt Trời Parker của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã làm nên lịch sử khi bay gần Mặt Trời hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào khác nhờ lớp “khiên” chắn nhiệt, giúp tránh được nhiệt độ thiêu đốt hơn 930 độ C.
Tàu vũ trụ trên nhiều khả năng đạt được kỳ tích trên vào lúc 6 giờ 53 sáng theo giờ Mỹ (18h53 chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam).
Dù vậy, thời gian chính xác sẽ được các nhà khoa học theo dõi sứ mệnh này xác nhận vào ngày 27/12 tới do họ tạm mất liên lạc với tàu trong vài ngày khi thiết bị này ở gần Mặt Trời.
Tại thời điểm gần Mặt Trời nhất, tàu di chuyển với vận tốc 690.000km/h và trở thành tàu vũ trụ bay nhanh nhất từng được chế tạo.
Theo chuyên gia NASA Joe Westlake, nếu coi khoảng cách Mặt Trời và Trái Đất cỡ chiều dài một sân bóng bầu dục Mỹ, thì Parker sẽ chỉ cách Mặt Trời khoảng 3,6m ở thời điểm này.
Về phần mình, nhà khoa học Arik Posner tham gia chương trình Parker Solar Probe nhấn mạnh rằng vụ phóng trên là một minh chứng cho các sứ mệnh táo bạo của NASA đó là thực hiện điều mà chưa cơ quan hay tổ chức nào từng làm được trước đây để tìm lời giải cho những câu hỏi từ nhiều đời nay về vũ trụ.
Được phóng vào năm 2018, Parker Solar Probe đã bay xuyên qua vầng nhật hoa - tầng khí quyển ngoài cùng của Mặt Trời, vốn chỉ có thể nhìn thấy trong những lần nhật thực toàn phần.
Parker Solar Probe được thiết kế để chịu được những điều kiện khắc nghiệt nhất, do đó có thể tiếp cận gần Mặt Trời ở khoảng cách lớn hơn 7 lần so với tàu vũ trụ trước.
Sứ mệnh của Parker Solar Probe không chỉ là một bước tiến trong lĩnh vực kỹ thuật vũ trụ mà còn mang lại những hiểu biết sâu sắc về Mặt Trời, như gió Mặt Trời bắt nguồn như thế nào hay tại sao vầng nhật hoa lại nóng hơn bề mặt Mặt Trời hàng trăm lần.../.
NASA và sứ mệnh lịch sử tiếp cận gần nhất tới Mặt Trời
NASA đang tiến gần hơn tới việc khám phá những bí mật sâu thẳm của Mặt Trời với Parker Solar Probe - tàu vũ trụ được thiết kế để tiếp cận gần nhất với ngôi sao trung tâm hệ Mặt Trời.