Tàu Ever Given mắc cạn: Cơ quan quản lý Suez có một phần lỗi

Hãng bảo hiểm của tàu Ever Given tuyên bố Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập đã kiểm soát tốc độ di chuyển của con tàu này trước khi nó gặp sự cố.
Tàu kéo được triển khai giải cứu tàu MV Ever Given bị mắc kẹt trên kênh đào Suez của Ai Cập ngày 24/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 3/6, công ty UK Club, đơn vị bảo hiểm cho chủ tàu vận chuyển container Ever Given bị mắc cạn ở Kênh đào Suez hồi tháng Ba vừa qua, tuyên bố Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập đã kiểm soát tốc độ di chuyển của con tàu này trước khi nó gặp sự cố.

Lời khẳng định này được đưa ra sau khi người đứng đầu SCA khẳng định con tàu này đã di chuyển quá nhanh khi nó bị mắc cạn, song ban quản lý kênh đào không chịu trách nhiệm cho vấn đề này.

Tàu Ever Given đã bị mắc cạn ở khu vực phía Nam Kênh đào Suez trong điều kiện gió lớn hôm 23/3, khiến hoạt động giao thông theo hai hướng trên tuyến hàng hải này bị đình trệ trong sáu ngày.

Sau khi được giải cứu vào ngày 29/3, tàu Ever Given đã được đưa về Hồ Great Bitter để phục vụ công tác kiểm tra kỹ thuật, thẩm vấn thủy thủ đoàn và phân tích hộp đen.

SCA ban đầu yêu cầu chủ sở hữu người Nhật Bản của tàu Ever Given là Shoei Kisen bồi thường 916 triệu USD vì đã gây ra tình trạng tắc nghẽn trên Kênh đào Suez, song hồi đầu tuần này, cơ quan trên thông báo sẵn sàng chấp nhận khoản bồi thường 550 triệu USD, trong đó có khoản tiền đặt cọc 200 triệu USD chi trả cho hoạt động giải cứu con tàu.

Trong tuyên bố của mình, UK Club cho biết các chủ sở hữu và hãng bảo hiểm của tàu Ever Given "hoàn toàn thừa nhận rằng SCA có quyền được bồi thường cho các khiếu nại hợp pháp của họ phát sinh từ sự cố này." Tuy nhiên, UK Club bày tỏ lo ngại trước các cáo buộc chống lại con tàu và chủ sở hữu của nó.

[Tòa án Ai Cập ra phán quyết tiếp tục giữ tàu container Ever Given]

Theo UK Club, điều quan trọng cần phải làm rõ rằng trong khi chủ tàu là đối tượng chịu trách nhiệm cuối cùng về con tàu này, thì vai trò dẫn đường cho tàu Ever Given với đoàn hộ tống trong quá trình di chuyển qua kênh đào Suez là do các hoa tiêu của Kênh đào Suez và dịch vụ quản lý giao thông SCA kiểm soát. Việc kiểm soát này bao gồm tốc độ vận chuyển và sự sẵn có của các tàu kéo hộ tống.

Trước đó, không những phản đối yêu cầu bồi thường hơn 900 triệu của SCA, chủ sở hữu tàu Ever Given còn đề nghị cơ quan này phải chi 100 triệu USD cho những tổn thất do tàu bị giam giữ dài ngày.

Luật sư của Shoei Kisen lập luận rằng SCA đã có lỗi khi cho phép Ever Given đi vào kênh đào trong bối cảnh thời tiết xấu. Thêm vào đó, SCA cũng không chứng minh được lỗi của con tàu.

Các luật sư của Shoei Kisen còn cho rằng Ever Given lẽ ra phải được hộ tống với ít nhất hai tàu kéo phù hợp với kích thước của nó "nhưng điều này đã không xảy ra." Do đó, nhóm luật sư phản đối khoản yêu cầu bồi thường 916,5 triệu USD của SCA.

Kênh đào Suez có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế Ai Cập, mang lại nguồn thu 5-6 tỷ USD/năm cho đất nước Kim tự tháp. Ai Cập ước tính thất thu từ 12-15 triệu USD mỗi ngày do giao thông trên Kênh đào Suez bị đình trệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục