Sao Hỏa, với bầu khí quyển mỏng và ở vị trí gần vành đai tiểu hành tinh của Hệ mặt trời, dễ bị thiên thạch tấn công hơn nhiều so với Trái Đất. Các nhà khoa học đang có được những hiểu biết đầy đủ hơn về đặc điểm này của Sao Hỏa với sự hỗ trợ từ tàu đổ bộ tự động InSight của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA).
Các nhà nghiên cứu ngày 19/9 cho biết InSight đã phát hiện các sóng địa chấn và sóng âm thanh từ những va chạm của 4 thiên thạch và sau đó tính toán vị trí của miệng hố mà chúng để lại.
Nhà địa vật lý hành tinh Bruce Banerdt của NASA cho biết các số đo địa chấn này cung cấp một công cụ hoàn toàn mới để nghiên cứu Sao Hỏa hay bất kỳ hành tinh nào khác mà chúng ta có thể đưa địa chấn kế đến.
Các thiên thạch mà InSight theo dõi nói trên gồm 1 thiên thạch rơi năm 2020 và 3 thiên thạch khác rơi năm 2021, ước tính nặng khoảng 200 kg với đường kinh khoảng 50 cm và để lại hố rộng 7,2 m. Các thiên thạch này đã rơi cách vị trí của InSight từ 85 km đến 290 km.
[Ngắm đỉnh ngọn núi lửa New Zealand từ Trạm vũ trụ quốc tế]
Theo nhà khoa học hành tinh thuộc Đại học Brown, Ingrid Daubar, Sao Hỏa giống như Trái Đất, có khoảng 2 lần bị thiên thạch đâm vào bầu khí quyền. Tuy nhiên Trái Đất có bầu khí quyền dày hơn 100 lần bầu khí quyển Sao Hỏa nên thiên thạch thường vỡ và phân rã trong bầu khí quyển của Trái Đất, hiếm khi đến được bề mặt Trái Đất để tạo ra các hố. Trái lại, trên Sao Hỏa, mỗi năm có hàng trăm hố va chạm hình thành trên bề mặt hành tinh này.
Địa chấn kế của InSight ghi nhận Sao Hỏa có hoạt động địa chấn, phát hiện hơn 1.300 chấn động. Theo nghiên cứu đăng tải năm ngoái, các sóng địa chấn được InSight phát hiện đã giúp giải mã cấu trúc bên trong của Sao Hỏa, gồm các ước tính sơ bộ kích thước lõi kim loại lỏng của hành tinh này, độ dày của lớp vỏ và tính chất của lớp phủ bề mặt./.