Tàu Danuri của Hàn Quốc chụp loạt ảnh gây kinh ngạc về Mặt Trăng

Theo KARI, hình ảnh đầu tiên được chụp vào ngày 24/12/2022 cách Mặt Trăng khoảng 345 km, trong khi hình ảnh thứ hai được chụp sau đó 4 ngày khi tàu đang xoay quanh vệ tinh của Trái Đất.
Tàu Danuri của Hàn Quốc chụp loạt ảnh gây kinh ngạc về Mặt Trăng ảnh 1Hình ảnh Trái Đất (trái) và Mặt Trăng do tàu vũ trụ không người lái Danuri chụp và được công bố ngày 3/1/2023. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Trang Space.com hôm 3/1 cho biết tàu Danuri, còn có tên khác là Tàu quỹ đạo Mặt trăng Người dò đường của Hàn Quốc (KPLO), đang gửi những bức ảnh đầu tiên về Trái đất, sau khi hoạt động ổn định trên quỹ đạo thấp của Mặt trăng.

Các hình ảnh, được Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KARI) công bố, cho thấy nhiều chi tiết về các miệng núi lửa và bề mặt Mặt trăng, với Trái đất nằm ở phía sau.

Những hình ảnh này lần lượt được chụp vào ngày 24 và 28/12/2022 bằng thiết bị Máy chụp ảnh Địa hình Mặt trăng (LUTI) do KARI phát triển. Các kỹ sư sẽ sử dụng hình ảnh để xác định địa điểm phục vụ cho sứ mệnh đưa robot lên Mặt trăng của Hàn Quốc trong năm 2032.

Tàu Danuri, nặng 678 kg, đã hoàn thành một loạt các thao thác điều khiển động cơ đẩy vào giữa và cuối tháng 12/2022, khi con tàu đi vào quỹ đạo theo kế hoạch, ở độ cao trung bình 100 km so với bề mặt Mặt Trăng.

Theo đó, Danuri đã thực hiện 3 vòng quay quanh quỹ đạo Mặt Trăng (LOI) vào ngày 17/12/2022 để giảm tốc độ và ổn định trước tác động từ trọng lực của Mặt Trăng, tiếp đó di chuyển vào quỹ đạo trung tâm trong ngày 27/12/2022. Tàu quỹ đạo này vẫn đang trong giai đoạn vận hành thử trước khi bắt đầu sứ mệnh khoa học chính thức, dự kiến kéo dài khoảng một năm.

[Hàn Quốc trở thành nước thứ 7 trên thế giới thám hiểm Mặt trăng]

5 trong số 6 thiết bị nghiên cứu khoa học chính của Danuri do KARI phát triển. Tuy nhiên Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng gửi một thiết bị trên con tàu này. Theo đó, thiết bị ShadowCam được NASA thiết kế để tìm kiếm các khu vực có khả năng chứa băng tuyết, nằm trong vùng tối vĩnh cửu của Mặt Trăng. Dữ liệu do ShadowCam thu được sẽ sử dụng cho các nhiệm vụ trong chương trình Artemis của NASA, nhằm đưa phi hành gia trở lại Mặt trăng vào năm 2025 hoặc 2026.

Một trong những thiết bị của Danuri do Hàn Quốc phát triển sẽ được dùng để đánh giá khả năng chống chịu gián đoạn của kết nối mạng trên không gian. Theo Bộ Khoa học Hàn Quốc, đây là công cụ đầu tiên trên thế giới làm điều này.

Các nhà khoa học Hàn Quốc cũng muốn dùng Danuri làm phương tiện thử nghiệm khả năng phát triển một môi trường Internet không dây, để liên kết các vệ tinh hoặc tàu vũ trụ thăm dò.

Hàn Quốc đã mất 7 năm để chế tạo Danuri. Cái tên Danuri được ghép từ hai từ trong tiếng Hàn nghĩa là "Mặt trăng" và "tận hưởng".

Con tàu được phóng lên vũ trụ trên tên lửa Falcon 9 của công ty SpaceX vào 8 giờ 8 phút ngày 5/8 (giờ Mỹ). 4 tháng sau thời điểm phóng, con tàu đã tới quỹ đạo Mặt trăng. KARI ban đầu lên kế hoạch thực hiện 5 thao tác đi vào quỹ đạo Mặt trăng (LOI), để giảm tốc độ của Danuri từ khoảng 8.000 km/h xuống còn 5.800 km/h.

Tuy nhiên, ngay khi Danuri thực hiện thao tác đầu tiên vào ngày 17/12, KARI đã thu được dữ liệu cho thấy con tàu đang hoạt động ổn định. Do đó, KARI quyết định bỏ qua 4 thao tác còn lại, giúp con tàu tiến vào quỹ đạo ổn định của Mặt trăng sớm hơn 2 ngày so với kế hoạch ban đầu.

Kết quả này khiến Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới khám phá Mặt trăng, sau Nga, Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo giới quan sát, năm nay hoạt động thám hiểm Mặt trăng sẽ được một số quốc gia đẩy mạnh. Cụ thể, Nga đã có ý định trở lại Mặt trăng với sứ mệnh Luna 25. Nga sẽ đưa tàu thăm dò và máy bay không người lái lên Mặt trăng để thu thập mẫu đất đá từ vùng cực Nam mang về phục vụ nghiên cứu.

Ấn Độ có kế hoạch triển khai nhiệm vụ Chandrayaan 3 đến Mặt trăng vào tháng 6/2023, mang theo một module hạ cánh và robot khai thác để khám phá bề mặt thiên thể này. Ấn Độ đã "chạm" đến Mặt trăng lần đầu vào năm 2008 khi phóng tàu thăm dò Chandrayaan 1.

Cuối năm 2023, công ty SpaceX có kế hoạch đưa tỷ phú người Nhật Bản Yusaku Maezawa và 8 hành khách khác tham gia chuyến bay dearMoon vòng quanh Mặt trăng. Đây sẽ là nhiệm vụ chở người vào không gian đầu tiên của phương tiện bay Starship mà hãng chế tạo. Starship được quảng bá là có khả năng chở đến 100 người.

Năm tiếp theo, NASA có kế hoạch triển khai sứ mệnh Artemis II, sẽ đưa các nhà du hành Mỹ vào quỹ đạo của Mặt trăng. Trong sứ mệnh Artemis III, dự kiến triển khai trong 2025 hoặc 2026, các phi hành gia Mỹ, gồm người da màu đầu tiên, sẽ đặt chân lên Mặt trăng. Nếu nhiệm vụ thành công, đây sẽ là lần đầu tiên con người trở lại Mặt trăng kể từ khi các sứ mệnh Apollo của NASA kết thúc vào năm 1972./.

Vietnam+

Tin cùng chuyên mục