Tại hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ngày 10/11 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu, ngành nông nghiệp phải tiếp tục tập trung tái cơ cấu để xây dựng dựng nền nông nghiệp thông minh hiện đại, cạnh tranh quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tái cơ cấu kinh tế nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng là một quá trình động, là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên. Chúng ta phải tiếp tục rà soát lại các ngành, tái cơ cấu gắn với lợi thế từng vùng miền, gắn với thị trường để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao. Lấy thị trường thế giới để cạnh tranh và coi trọng thị trường trong nước đề từ đó lựa chọn sản phẩm phù hợp để phát triển.
[Tuyên dương 138 cá nhân, đơn vị xuất sắc trong tái cơ cấu nông nghiệp]
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, tái cơ cấu phải coi người dân là đối tượng phục vụ, là người quyết định thành công của quá trình tái cơ cấu. Chúng ta phải tạo việc làm, tạo thu nhập và đảm bảo đời sống cho người nông dân. Coi doanh nghiệp là động lực vì chỉ doanh nghiệp mới đảm đương được các dịch vụ như: vốn, khoa học công nghệ, giống, tổ chức sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Trên cơ sở tái cơ cấu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các bộ, ngành liên quan, các địa phương tổ chức lập các quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng kế hoạch để xác định lộ trình, xác định nguồn lực đầu tư hạ tầng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.
Qua 5 năm triển khai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và thống nhất quan điểm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương về sự cần thiết phải cơ cấu lại nền nông nghiệp nhằm khắc phục những yếu kém nội tại, nâng cao khả năng cạnh tranh, đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt là đem lại thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân. Cùng với đó là hệ thống thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được tiếp tục đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường và hiệu quả hơn.
Trong 5 qua, nhiều mục tiêu đặt ra trong đề án cả ba trụ cột về kinh tế-xã hội và môi trường đã đạt hoặc gần tiệm cận được đến mục tiêu của năm 2020. Nông nghiệp đã duy trì được tăng trưởng đạt bình quân 2,55%/năm, dự kiến năm 2018 đạt 3,4%. Năng suất lao động nông nghiệp tăng nhanh, năm 2017 đạt 35,5 triệu đồng/lao động, bình quân tăng 6,67%/năm, gần gấp đôi mục tiêu đề ra (tăng 3,5%/năm). Thu nhập và mức sống cư dân nông thôn đạt khoảng 130 triệu đồng, gấp 1,71 lần so với năm 2012, vượt mục tiêu đề ra...
Cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong nội bộ từng ngành, lĩnh vực, những sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi đã tăng nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng và tỷ trọng đóng góp cho tăng trưởng.
Trong lĩnh vực trồng trọt, qua 5 năm triển khai thực hiện cơ cấu lại, Bộ và các địa phương đã tiến hành rà soát quy hoạch, cơ cấu các loại cây trồng chủ lực, chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của các vùng, miền, địa phương, nhu cầu thị trường và điều kiện biến đổi khí hậu. Những mặt hàng là lợi thế và còn tiềm năng về thị trường tăng mạnh như trái cây nhiệt đới, rau, hoa, hạt điều. Nhờ đó, xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt mức bình quân 15,12 tỷ USD/năm giai đoạn 2013-2017, tiếp tục duy trì được các mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao như: gạo, cao su, càphê, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, sắn.
Trong chăn nuôi, chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh. Đàn giống được cải thiện đáng kể, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao với kỹ thuật tiên tiến đã được đưa vào sản xuất phổ biến. Nhiều địa phương, doanh nghiệp đã tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến thị trường, dưới các hình thức chăn nuôi gia công, hợp tác, doanh nghiệp và nông dân cùng làm.
Lĩnh vực lâm nghiệp đã có chuyển từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; phát triển hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến. Sản lượng gỗ rừng trồng đã đáp ứng 80% nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, tăng 18%; tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 40,7% lên 41,45%. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 7,29%/năm, giá trị tăng thêm tăng 6,3%/năm.
Thủy sản đã khẳng định được lợi thế trong cơ cấu ngành nông lâm thủy sản. Tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản trong giá trị sản xuất toàn ngành đã tăng từ 22,5% lên 25%, giá trị gia tăng đã tăng từ 18,8% lên 20,5%. Giá trị sản xuất thu được trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2017 tăng gấp 1,4 lần.
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, thành quả nổi bật và rất quan trọng của quá trình cơ cấu lại nông nghiệp thời gian qua đó là thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản được mở rộng, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu chuyển mạnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế và sản phẩm đã qua chế biến. Đến nay, nông lâm thủy sản sản Việt Nam đã có mặt ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 157,49 tỷ USD, tăng 51,2% so với giai đoạn 5 năm trước. Dự kiến năm 2018, xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ đạt 40-40,5 tỷ USD.
Cơ cấu lại nông nghiệp góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết tháng 10/2018, cả nước có 3.597 xã (đạt 40,3%) đạt chuẩn và có 55 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Các doanh nghiệp nhà nước, các công ty nông, lâm nghiệp được sắp xếp, chuyển đổi, hoạt động hiệu quả hơn. Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Đến tháng 9/2018, cả nước có trên 49.600 doanh nghiệp tham gia trong chuỗi giá trị nông sản, chiếm 8% tổng doanh nghiệp cả nước; trong đó có 8.635 doanh nghiệp trực tiếp sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (chiếm trên 1%), gấp 2,5 lần so với năm 2012.
Tuy đạt được nhiều kết quả như trên, nhưng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, cơ cấu lại nông nghiệp thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và có những hạn chế, yếu kém cần phải được tiếp tục tháo gỡ và nỗ lực thực hiện mới có thể đạt được mục tiêu đề ra. So với Bộ tiêu chí giám sát đánh giá cơ cấu lại, một số tiêu chí sẽ rất khó đạt nếu không có sự đầu tư thích đáng và tổ chức thực hiện quyết liệt. Đó là tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt; tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các hình thức hợp tác, liên kết; tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi có xử lý chất thải bằng các giải pháp hiệu quả, đảm bảo vệ sinh và an toàn môi trường.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, từ nay đến năm 2020, ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.
Đến năm 2020, ngành đặc mục tiêu tốc độ tăng giá trị gia tăng đạt tối thiểu 3%/năm; năng suất lao động tăng từ 3,5%/năm; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015; có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Để đặt được kết quả trên, ngành tiếp tục rà soát và xây dựng 3 trục sản phẩm: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” để có chiến lược và giải pháp phát triển phù hợp./.