Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên tập trung phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2015, triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp; tập trung ưu tiên bốn nhiệm vụ trọng tâm, gồm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ.
Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 nhằm đánh giá công tác bảo vệ, phát triển rừng; kết quả kiểm kê rừng, trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên diễn ra chiều 9/4 tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo các địa phương cần thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế diện tích rừng khi chuyển sang sử dụng cho mục đích khác theo Chỉ thị số 02 của Thủ tướng Chính phủ, Đề án trồng rừng thay thế và quy định tại Thông tư số 42 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; tổ chức sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp theo Nghị định số 118 của Thủ tướng Chính phủ và Hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Thông tư số 02; triển khai quyết liệt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn các tỉnh, thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2014-2020 theo Quyết định số 1938 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương tăng cường triển khai thực hiện Chỉ thị số 12, Chỉ thị số 08, 1685 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ, điều tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng phá rừng; tăng cường quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phá rừng, khai thác, buôn bán, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép; cương quyết tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi diện tích rừng bị phá, lấn chiếm để có kế hoạch phục hồi và trồng lại rừng…
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, năm 2014, là năm đầu tiên ngành lâm nghiệp triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, nhiều hoạt động đã được triển khai như kế hoạch hành động thực hiện Đề án nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất giai đoạn 2014-2020, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến…
Công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng trên địa bàn cả nước tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Các địa phương đã tích cực, chủ động trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp đã được triển khai; việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo điều kiện cho người sản xuất có thêm nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng; tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gỗ nguyên liệu có nhiều thuận lợi do thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều tăng trưởng mạnh. Do đó, hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đều đạt, vượt chỉ tiêu đề ra, tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 7,09%, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,54 tỷ USD.
Ngay trong quý một, công tác bảo vệ và phát triển rừng đã được các địa phương trong cả nước tích cực triển khai. Hiện nay, cả nước có trên 2,037 triệu ha rừng được khoán bảo vệ, công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng tiếp tục đạt được một số kết quả tích cưc. Ba tháng đầu năm nay, cả nước đã phát hiện 3.941 vụ vi phạm lâm luật, giảm gần 42% so cùng kỳ này năm ngoái; tổng diện tích rừng bị thiệt hại chỉ có gần 32ha, giảm gần 569ha so cùng kỳ này năm ngoái. Cả nước cũng đã trồng mới được trên 13.416ha rừng, đạt 6% kế hoạch năm, bằng 167% so cùng kỳ năm ngoái…
Đối với công tác điều tra, kiểm kê rừng, đến hết năm 2014 đã hoàn thành Dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013- 2016." Tại năm tỉnh Tây Nguyên, tổng diện tích rừng sau kiểm kê là trên 2,5 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên trên 2,2 triệu ha và rừng trồng trên 313.000ha; tổng trữ lượng gỗ rừng, gồm cả rừng trồng và rừng tự nhiên là hơn 302 triệu m3. Từ năm 2013 đến nay, công tác phát triển rừng, trồng rừng thay thế trên địa bàn Tây Nguyên đã có tiến bộ nhưng kết quả còn thấp, một số tỉnh chưa thực sự quan tâm đến công tác trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển sang mục đích khác./.