Tập trung tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng

Ông Trần Tuấn Anh lưu ý tỉnh Tuyên Quang cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm khơi thông, huy động mọi nguồn lực xã hội để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Tập trung tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng ảnh 1Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

Chiều 21/3, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng do ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang.

Tại đây, các đại biểu đã thảo luận về nhiều nội dung liên quan đến quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp; công tác kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý về rừng tại địa phương, đặc biệt là công tác phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng; cải tạo trồng rừng thay thế đối với các diện tích rừng nghèo kiệt, kém chất lượng; các chính sách phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng...

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 13 đánh giá cao những kết quả tỉnh đạt được trong công tác phát triển và bảo vệ rừng, đặc biệt là việc thực hiện hiệu quả chính sách giao đất, giao rừng cho người dân, trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Mô hình phát triển kinh tế rừng ở Tuyên Quang là điển hình cần được tổng kết, nhân rộng trong thời gian tới...

[Nhanh chóng xây dựng đề án khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên]

Ông Trần Tuấn Anh lưu ý, Tuyên Quang cần tiếp tục rà soát, bổ sung, ban hành mới chương trình, kế hoạch, đề án để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW; quan tâm nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch bài bản, hiệu quả, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông quy hoạch giữa kinh tế-xã hội với quy hoạch rừng, lâm nghiệp với các quy hoạch khác.

Tỉnh tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm khơi thông, huy động mọi nguồn lực xã hội để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế về rừng và phát triển lâm nghiệp trên địa bàn.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng ảnh 2Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cùng đoàn công tác đến thăm mô hình sản xuất lâm nghiệp tại xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

Bên cạnh đó, địa phương cần có các giải pháp căn cơ để duy trì và nâng cao tính bền vững tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn; giải quyết cơ bản tình trạng tranh chấp đất lâm nghiệp, di dân tự do, vi phạm luật pháp, quy định về rừng, lâm nghiệp. Địa phương gắn trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về rừng, lâm nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, đất quy hoạch lâm nghiệp.

Tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành chế biến gỗ và các sản phẩm gỗ, bảo đảm nguồn cung giúp Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Địa phương có giải pháp hữu hiệu tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ bán tín chỉ các-bon; quan tâm hơn đến việc hỗ trợ các lực lượng, hộ gia đình, người dân, cộng đồng trong quản lý, bảo vệ rừng... Đối với các kiến nghị của tỉnh, Đoàn công tác sẽ nghiên cứu, xem xét và có ý kiến với các cấp thẩm quyền vào thời điểm thích hợp.

Theo lãnh đạo tỉnh, từ năm 2017 đến nay, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã ban hành 68 nghị quyết, kế hoạch, đề án, quyết định liên quan đến phát triển lâm nghiệp trên địa bàn; thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững; thực hiện quy hoạch phân loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) đúng quy định và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tỉnh triển khai hiệu quả công tác giao, cho thuê đất rừng; hoàn thành sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn.

Địa phương duy trì ổn định diện tích rừng trồng trên 193.000 ha; trong đó có trên 43.800 ha được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC); sản lượng khai thác gỗ bình quân trên 1 triệu m3/năm, chiếm trên 23% tổng sản lượng khai thác của vùng trung du miền núi Bắc Bộ.

Kim ngạch xuất khẩu lâm sản giai đoạn 2017-2022 đạt 119,05 triệu USD. Năm 2022, GRDP ngành lâm nghiệp đạt trên 1.750 tỷ đồng, chiếm trên 17% GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng trưởng bình quân đạt trên 10%/năm; giá trị sản phẩm chế biến gỗ chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Trước đó, Đoàn công tác đã đến thăm một số mô hình sản xuất lâm nghiệp tại xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương; thăm Công ty Cổ phần giấy An Hòa, Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục