Chiều 28/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang họp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Tổ Công tác).
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh việc rà soát hệ thống pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội là việc khó và có phạm vi rộng, thời gian thực hiện không nhiều. Do đó, các thành viên Tổ Công tác có trách nhiệm phối hợp tốt hơn để có được phương án tốt nhất có thể, đáp ứng được cơ bản yêu cầu của Quốc hội.
Cơ bản các ý kiến tại cuộc họp đã thống nhất với dự thảo quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Tổ Công tác, đề cương dự thảo báo cáo kết quả rà soát của Chính phủ, một số ý kiến phát biểu và giải trình bước đầu của Bộ Tư pháp; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Nhấn mạnh nguyên tắc "không mở rộng ra, gom gọn vấn đề," Phó Thủ tướng nêu rõ việc rà soát hệ thống pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội tập trung vào những vấn đề lớn, còn vướng mắc, đang cản trở sự phát triển và gây bức xúc trong dư luận.
[Tình trạng ban hành văn bản chậm chưa được giải quyết dứt điểm]
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ rà soát hệ thống pháp luật theo lĩnh vực và thẩm quyền quản lý được giao; khẩn trương rà soát theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 và gửi thông tin về Bộ Tư pháp, kịp thời hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ để gửi sang Quốc hội trong thời gian theo quy định.
Trước đó, theo báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư pháp (cơ quan Thường trực Tổ Công tác) cho biết để triển khai việc rà soát hệ thống pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 nhanh chóng, kịp thời, tập hợp các kết quả rà soát, xây dựng và hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ, các Phụ lục kết quả rà soát kèm theo để phục vụ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thường trực Tổ Công tác đã triển khai đồng thời nhiều nhiệm vụ như ban hành công văn, nghiên cứu và xây dựng mẫu báo cáo, phụ lục gửi các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp... để tổng hợp, báo cáo kết quả rà soát; nghiên cứu xây dựng một số văn bản về tổ chức, hoạt động của Tổ công tác; đôn đốc gửi kết quả rà soát...
Trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Thường trực Tổ Công tác thực hiện tổng hợp xây dựng dự thảo Báo cáo, tổng hợp kết quả rà soát hình thành các Phụ lục kèm theo. Các bộ, ngành cho ý kiến độc lập đối với dự thảo Báo cáo.
Bộ Tư pháp hoàn thiện một bước dự thảo Báo cáo để các thành viên Tổ công tác cho ý kiến; hoàn thiện dự thảo báo cáo trình Chính phủ./.