Thực hiện chương trình công tác năm 2019 của Ban Kinh tế Trung ương, ngày 15/5, tại Ban Kinh tế Trung ương đã diễn ra Hội nghị Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí đặc biệt quan trọng; là vùng “phên dậu” của Tổ quốc; là cái nôi của dân tộc, cái nôi của cách mạng; là khu vực đảm bảo sinh thái cho khu vực đồng bằng Sông Hồng; được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết, các địa phương và toàn vùng đã đạt được một số kết quả quan trọng trên tất cả các mặt. Diện mạo của vùng có nhiều đổi mới và thay đổi khá căn bản.
Tuy nhiên do các nguyên nhân khách quan và chủ quan về điều kiện về tự nhiên, hạ tầng, nguồn nhân lực…, các kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết 37 cũng như mong mỏi của nhân dân và các địa phương trong vùng. Đến nay vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước.
Với những kết quả đạt được của Nghị quyết 37 cũng như những khó khăn tồn tại vùng đang phải đối mặt, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị cần nghiên cứu đề xuất Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết mới, khả thi, căn cơ và thiết thực hơn; nhận diện và giải quyết các nút thắt để giúp vùng phát triển trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Bình đề nghị vùng trung du và miền núi Bắc Bộ cần phát huy các kết quả đạt được, tiếp tục làm tốt phát triển kinh tế xã hội gắn với quốc phòng an ninh; công tác tôn giáo; phát triển văn hóa gắn với tiến bộ công bằng xã hội, coi văn hóa là nền tảng cho sự phát triển lâu dài bền vững của vùng nói riêng và đất nước nói chung.
Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Đảng trong công tác công tác an sinh xã hội, tránh tình trạng chính sách ban hành trên văn bản nhưng không đi vào cuộc sống; nghiên cứu cơ chế thu hút nguồn lực để khắc phục điểm yếu về kết cấu hạ tầng giao thông, coi đây là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội gắn với quốc phòng an ninh, đảm bảo an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội.
[Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Hà Giang đến 2035]
Tại Hội nghị, các đại biểu là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo, đã tập trung vào một số vấn đề được coi là những nút thắt đối với phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ như hạn chế trong đầu tư về hạ tầng giao thông; chưa khai thác phát triển được một số lợi thế vùng như du lịch, dược liệu…; khó khăn về nguồn nhân lực, an ninh trật tự…
Do vậy, để các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ có điều kiện bứt phá, phát triển trong những giai đoạn tiếp theo, các tỉnh đều thống nhất đề xuất Bộ Chính trị nghiên cứu sớm ban hành một Nghị quyết mới.
Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng có vị trí địa-kinh tế, địa-chiến lược, địa-chính trị, địa-văn hóa-xã hội và dân tộc đặc biệt quan trọng; là vùng “phên dậu” của Tổ quốc, bao gồm 14 tỉnh trực thuộc trung ương và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An; là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của hầu hết các địa phương khu vực Bắc Bộ.
Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương và vùng, ngày 01/7/2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 26-KL/TW ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khoá IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.
Chính phủ và các bộ, ngành đã dành một khối lượng vốn lớn tập trung đầu tư vào phát triển kinh tế-xã hội vùng thông qua các quy hoạch, kế hoạch và các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quốc gia… tạo nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội các địa phương nói riêng và toàn vùng nói chung./.