Tập trung phát triển du lịch tâm linh vùng Duyên hải Đông Bắc

Phát triển du lịch tâm linh phải gắn chặt duy trì các chuẩn mực tôn giáo và các giá trị văn hóa, đây là nguyên tắc sống còn của du lịch tâm linh mà Việt Nam cần lĩnh hội.
Tập trung phát triển du lịch tâm linh vùng Duyên hải Đông Bắc ảnh 1Du khách trảy hội Xuân Yên Tử. (Ảnh: Đình Trân/TTXVN)

Ngày 27/8, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Tổng cục Du lịch Việt Nam đã tổ chức tọa đàm "Con đường du lịch tâm linh vùng Duyên hải Đông Bắc gắn với triều đại nhà Trần."

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, du lịch tâm linh trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã và đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến. Những lợi ích của du lịch tâm linh không chỉ về kinh tế mà đặc biệt là gìn giữ và phát huy các giá trị tôn giáo, văn hóa truyền thống.

Tuy nhiên, nhận thức và phát triển du lịch tâm linh tại Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Chuyến khảo sát một số điểm du lịch tâm linh, biển đảo vùng duyên hải Đông Bắc đang được Tổng cục Du lịch tổ chức là cơ hội để các chuyên gia, doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để tìm ra những giải pháp tăng cường liên kết tour, tuyến du lịch phục vụ du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy sự ra đời và phát triển tuyến du lịch tâm linh vùng Duyên hải Đông Bắc.

Ở Việt Nam, khách du lịch tâm linh chiếm một tỷ trọng khá lớn. Thông thường, khách đi du lịch hầu như kết hợp với mục đích tâm linh hoặc mục đích lồng ghép trong nhiều chuyến đi.

Theo số liệu của Tổng cục du lịch thì số khách chọn các điểm đến tâm linh chiếm 41,5% khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, khách quốc tế đến Việt Nam với mục đích tâm linh không nhiều, chỉ chiếm khoảng 12% tổng số du khách quốc tế.

Mong muốn con đường du lịch tâm linh vùng Duyên hải Đông Bắc sớm được triển khai để thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, tuy nhiên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) Hoàng Thị Hà băn khoăn, để con đường du lịch này thành hiện thực phụ thuộc nhiều vào trách nhiệm của từng địa phương trong việc xác định và liên kết các không gian du lịch tâm linh.

Trong khi đó hiện nay, thực trạng dịch vụ du lịch chưa bài bản, chuyên nghiệp, mối liên kết du lịch giữa các địa phương còn lỏng lẻo, manh mún.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Uông Bí đề xuất các địa phương, tỉnh, thành cần thực hiện tốt quy hoạch du lịch địa phương và quy hoạch liên kết du lịch vùng; tiếp tục thúc đẩy thu hút đầu tư cho du lịch.

Giáo sư I Gede Arkika, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) dẫn kinh nghiệm phát triển du lịch tâm linh của Indonesia nhấn mạnh, nguyên tắc cơ bản của ngành du lịch Indonesia trong đó có du lịch tâm linh là "sự cân bằng của cuộc sống."

Phát triển du lịch bền vững tập trung tăng cường các tác động tích cực và giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt là phát triển du lịch tâm linh phải gắn chặt duy trì các chuẩn mực tôn giáo và các giá trị văn hóa. Đây là nguyên tắc sống còn của du lịch tâm linh mà Việt Nam cần lĩnh hội.

Tiến sỹ Daniel H. Olsen, đại học Brandon cũng nhấn mạnh, yếu tố tâm linh cũng dễ bị thương mại hóa, các biểu tượng tôn giáo, văn hóa dễ bị xâm phạm dẫn đến mối lo ngại khi khai thác. Các địa điểm, các trải nghiệm tâm linh có nguy cơ bị hiểu sai và các nền văn hóa có thể bị vật thể hóa và bảo tàng hóa. Do đó, chính quyền và các bên có liên quan tiến hành khai thác dịch vụ du lịch cần nghiên cứu thấu đáo trong việc sử dụng các địa điểm và biểu tượng tâm linh để quảng bá điểm đến...

Trước đó, từ ngày 23-28/8, Đoàn công tác của Tổng cục Du lịch và một số doanh nghiệp lữ hành đã đi khảo sát tại một số điểm du lịch tâm linh vùng Duyên hải Đông Bắc như Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương), Yên Tử-chùa Đồng, đền Cửa Ông, Cửa Suốt, đảo Cô Tô (Quảng Ninh)…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục