Tập trung làm rõ nguyên chậm di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô

Ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, qua thống kê, địa bàn có hơn 100 cơ sở ô nhiễm môi trường cần di dời ra khỏi nội đô.
Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí Cầu đường ở 460 Trần Quý Cáp, quận Đống Đa, thuộc diện di dời ra khỏi nội đô. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)
Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí Cầu đường ở 460 Trần Quý Cáp, quận Đống Đa, thuộc diện di dời ra khỏi nội đô. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Vấn đề di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, diễn ra ngày 5/12.

Một số đại biểu cho rằng việc di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường không phù hợp với quy hoạch ra khỏi nội đô theo Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ hiện nay còn chậm. Do đó, các đại biểu đề nghị, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Sở thời gian qua, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thời gian tới?

Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, qua thống kê, địa bàn có hơn 100 cơ sở ô nhiễm môi trường cần di dời ra khỏi nội đô.

Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã rà soát kiểm tra, xử lý triệt để 25 cơ sở ô nhiễm môi trường; thực hiện các công việc để di dời 67 cơ sở sản xuất ra các khu, cụm công nghiệp ngoại thành hoặc tỉnh lân cận.

Mặt khác, thành phố đã chỉ đạo Sở, các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng danh mục cơ sở tiếp tục phải di dời báo cáo Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố và kỳ họp tới sẽ báo cáo danh mục này.

Lý giải về việc di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô chậm so với kế hoạch, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhận định, tâm lý các cơ sở ngại di dời vì người lao động ngại đi xa.

Năng lực tài chính của các đơn vị để đảm bảo sản xuất, xây dựng mới còn khó khăn. Trong khi đó, Nhà nước chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ đơn vị di dời.

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố sẽ cùng các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.

Qua đó, đề nghị thành phố bố trí kinh phí xây dựng khu, cụm công nghiệp; đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành chính sách hỗ trợ đơn vị phải di dời.

Trao đổi với lãnh đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố về việc quy hoạch bố trí khu đất dành cho cơ sở di dời được biết, thành phố Hà Nội đã thực hiện quy hoạch nhiều khu, cụm công nghiệp tại các quận ngoại thành.

Cụ thể, phía Bắc quy hoạch khoảng 3.200 ha để phát triển công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí.

[Hà Nội giải đáp về việc chậm quy hoạch khu đô thị vệ tinh]

Phía Tây quy hoạch 1.800 ha ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sinh học, cơ khí chính xác, công nghệ vật liệu mới.

Tại các thị trấn trên địa bàn, quy hoạch khoảng 1.400 đến 1.500ha ưu tiên phát triển công nghiệp sinh thái, chế biến nông sản thực phẩm chất lượng cao.

Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội phối hợp với các Sở, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương rà soát, đối chiếu quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng huyện với các địa điểm di dời, khu-cụm công nghiệp theo danh mục cụ thể.

Từ đó, đề xuất với thành phố trên nguyên tắc phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời (di dời các cơ sở không phù hợp quy hoạch và ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở không phù hợp quy hoạch) để tạo quỹ đất cho thành phố.

Theo đó, đến năm 2020, công tác di dời được thực hiện theo lộ trình: Giai đoạn 1 thực hiện di dời ở 4 quận nội thành là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng; giai đoạn 2 thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch; giai đoạn 3, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; giai đoạn 4 di dời các cơ sở còn lại.

Về việc khai thác, sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, qua thống kê, đến tháng 12 này, có 7 cơ sở sản xuất đã di dời ra khỏi nội đô, diện tích 256,5ha, thuộc 11 quận, huyện. Với những cơ sở đã di dời, căn cứ vào quy hoạch, Sở này đã lên khung định hướng sử dụng đất.

Trong đó, đối với 4 quận lõi, sau khi dời các cơ sở công nghiệp ra ngoài sẽ sử dụng quỹ đất phục vụ lợi ích công cộng của khu vực.

Các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân sau khi di dời các cơ sở công nghiệp, ưu tiên quỹ đất để dành phát triển công trình phục vụ lợi ích công cộng của khu vực (thương mại dịch vụ, hệ thống trường học phổ thông…), hạn chế phát triển nhà ở.

Tại những địa bàn trên, thành phố khuyến khích xây dựng các nhà công cộng cao tầng, hiện đại đa năng, quảng trường lớn không gian mở.

Khu vực quận Hoàng Mai, quỹ đất sau di dời được ưu tiên sử dụng cho mục đích công cộng, trường phổ thông, công viên, vườn hoa, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội... Tại đây được khuyến khích xây dựng công trình công cộng, trường học, nhà trẻ, quảng trường và không gian mở.

Mặc dù vậy, không ít người cho rằng nhiều diện tích đất của một số cơ sở sản xuất sau khi được dời đi đã nhường chỗ cho các cao ốc, gây áp lực cho hạ tầng.

Chỉ tính riêng khu vực tuyến đường Lê Văn Lương đã có tới 70 nhà cao tầng, với dân số vài nghìn người, tạo sức ép lên hạ tầng xã hội quanh khu vực.

Về việc này, Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố lý giải, đối với các dự án nhà ở hỗn hợp có ở, xây dựng thời gian qua đều thực hiện đúng quy định về phát triển nhà ở của Chính phủ và Hội đồng Nhân dân thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục