Tập trung khâu xung yếu trong phòng, chống dịch COVID-19

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nhiều quốc gia do lơi lỏng khiến dịch bệnh quay lại và bùng phát, ổ dịch ở Đà Nẵng là lời cảnh báo nghiêm khắc với tất cả các bệnh viện, địa phương, các cấp, ngành.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 4/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.

Dịch tại Đà Nẵng có thể xuất hiện từ đầu tháng 7

Phát biểu tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, do lượng người giao lưu, đi lại giữa Quảng Nam và Đà Nẵng nhiều nên diễn biến dịch bệnh tại Quảng Nam khá phức tạp.

Số ca mắc tại địa phương ngày càng tăng, có sự lây nhiễm nhanh trong gia đình, điển hình như chùm ca bệnh 7 người trong cùng một nhà. Hiện Bộ Y tế và các bộ, ngành tiếp tục tăng cường chi viện nhân lực cho Đà Nẵng và Quảng Nam.

Nhận định dịch COVID-19 tại Đà Nẵng có thể xuất hiện từ đầu tháng 7, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, việc đánh giá các ca mắc COVID-19 ở cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng cho thấy các bệnh nhân đều liên quan đến thời điểm này.

Bên cạnh đó, qua xét nghiệm kháng thể 5.000 mẫu (trên tổng số 7.300 mẫu đã lấy), chúng ta có thể khẳng định, dịch mới bắt đầu từ đầu tháng 7 với tốc độ lây nhiễm cao. Việc phân tích, giải trình tự gene cho thấy, các ca mắc tiếp theo có gene tương đồng với ca đầu tiên phát hiện tại Đà Nẵng.

[Đà Nẵng hoãn Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020]

Hiện Bộ Y tế đang áp dụng tất cả các biện pháp nhằm nỗ lực kiểm soát tình hình; thực hiện việc mở rộng xét nghiệm và giám sát trong cộng đồng; cương quyết cách ly tập trung các ca F1; tăng tốc xét nghiệm. Cụ thể, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ lấy 50.000 mẫu xét nghiệm kháng thể tại Đà Nẵng, Quảng Nam.

Liên quan đến thời điểm xuất hiện dịch tại Đà Nẵng, Phó trưởng nhóm Nhóm các nhà khoa học, chuyên gia, tình nguyện viên phân tích dữ liệu và truy vết dịch tễ Nguyễn Thế Trung cho biết, dựa vào kết quả của nhóm thì có thể khẳng định, có khả năng ca F0 xuất hiện từ đầu tháng 7 tại cụm 3 bệnh viện ở Đà Nẵng.

Đồng quan điểm, các thành viên Ban Chỉ đạo khẳng định, việc điều tra dịch tễ và các xét nghiệm kháng thể, phân tích gene từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng như các mô hình tính toán cho thấy, dịch bắt đầu xuất hiện từ tháng 7/2020 với nguồn xâm nhập từ bên ngoài; đồng thời có khả năng xuất phát từ một điểm thuộc cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng, không phải đồng thời nhiều điểm dịch cùng một lúc.

Nhận định tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam đang được kiểm soát, tuy nhiên các thành viên Ban Chỉ đạo dự báo, thời gian tới tiếp tục các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng sẽ được phát hiện và nhiều khả năng còn các ca tử vong, do dịch bệnh đang xuất hiện ở các khoa như hồi sức tích cực, thận nhân tạo, tim mạch... là những nơi có nhiều bệnh nhân có bệnh lý nền nặng.

Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt sở y tế các tỉnh, thành phố nhằm ưu tiên tập trung, đảm bảo Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 an toàn tối đa trên tinh thần “theo dõi sát cho đến tận ngày cuối cùng, lường trước mọi tình huống xảy ra.”

Phát hiện nhanh, khoanh vùng dịch sớm trên quy mô nhỏ nhất

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, cần tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế để tập trung dập nhanh nhất ổ dịch ở Đà Nẵng.

Trên tinh thần xác định “cuộc chiến còn dài,” Phó Thủ tướng yêu cầu siết lại kỷ cương, “lên dây cót” cả hệ thống phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt trong ngành y tế bởi “chúng ta mới thắng từng trận đánh, thắng từng chiến dịch nhưng chưa thắng cả cuộc chiến.”

Tập trung khâu xung yếu trong phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 1 Các tuyến đường vào thôn Lệ Sơn Nam (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) bị phong tỏa. Ảnh: TTXVN phát

Nhiều quốc gia trên thế giới do lơi lỏng khiến dịch bệnh quay lại và bùng phát, vì vậy, ổ dịch ở Đà Nẵng là lời cảnh báo nghiêm khắc với tất cả các bệnh viện, địa phương, các cấp, ngành.

Phó Thủ tướng nêu rõ: “Như bảo vệ đê trong mùa lũ, điểm xung yếu nhất cần được canh giữ cẩn trọng; đặc biệt mọi rò rỉ nơi xung yếu phải được phát hiện ngay để bịt lại. Khu vực xung yếu nhất đã xác định ngay từ những ngày đầu chống dịch chính là các bệnh viện, các nhà dưỡng lão. Xung yếu của xung yếu chính là các khoa bệnh nhân nặng, bệnh nhân nguy kịch, bệnh nhân chữa trị dài ngày thuộc các khoa hồi sức tích cực, thận nhân tạo, tim mạch…”

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền, ngành y tế tập trung vào các khâu, các điểm xung yếu; thực hiện nghiêm, triệt để các chỉ đạo về quản lý sức khỏe của người dân, đặc biệt người cao tuổi và có bệnh nền; siết lại kỷ cương trong các bệnh viện; thực hiện thật nghiêm các quy định phòng dịch cho người đến khám bệnh và nhân viên y tế.

Về nguy cơ có dịch luôn luôn thường trực trong cộng đồng, Phó Thủ tướng nêu rõ, cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái “bình thường mới.”

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà lại hướng dẫn, quy định để phối hợp các cơ quan truyền thông, mạng xã hội cùng tuyên truyền hướng dẫn người dân sinh hoạt, sản xuất phù hợp với tình hình mới. Nhấn mạnh vai trò chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy, chính quyền địa phương, Phó Thủ tướng cho biết: “Chúng ta tin tưởng sẽ chống được dịch bệnh; tiếp tục sinh hoạt, sản xuất kinh doanh bình thường mới và phát triển. Quyết tâm không để quay lại cách ly xã hội trên diện rộng quy mô toàn quốc.”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, nhiệm vụ của chúng ta là phải phát hiện nhanh, khoanh vùng dịch sớm trên quy mô nhỏ nhất có thể; các cơ sở y tế luôn luôn sẵn sàng; người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Trước tình trạng chủ quan của một số nơi, Phó Thủ tướng yêu cầu siết chặt hệ thống phòng, chống dịch COVID-19; duy trì liên tục cho đến khi hết dịch trên toàn thế giới.

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tính đến chiều tối 4/8, Việt Nam có tổng cộng 670 ca mắc COVID-19, trong đó 378 đã được công bố khỏi bệnh. Trong số 670 ca bệnh có 308 ca mắc COVID-19 từ bên ngoài và sau khi nhập cảnh được cách ly ngay. Có 222 ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay.

Cả nước hiện có 133.279 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe. Trong đó, 1.258 người được cách ly tập trung tại bệnh viện; 20.427 người được cách ly tập trung tại cơ sở khác; 111.594 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục