Tập trung khắc phục thiệt hại do thiên tai ở các địa phương

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 725/CĐ-TTg ngày 4/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất...
Tập trung khắc phục thiệt hại do thiên tai ở các địa phương ảnh 1Người dân đặt bao cát đề phòng tốc mái nhà. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 9 -10/8, khu vực Bắc Bộ có mưa dông, khu vực Tây Bắc, Việt Bắc có mưa to từ 40-70mm. Từ ngày 11-13/8, Bắc Bộ có mưa to trở lại, tổng lượng mưa từ 50-100mm, có nơi trên 200mm.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong nửa đầu tháng 8 xuất hiện mưa rào và chủ yếu xảy ra tập trung vào chiều tối, đêm. Nửa cuối tháng 8, mưa dông sẽ mạnh hơn và tổng lượng mưa cuối tháng 8 cao hơn nửa đầu tháng 8.

Như vậy, khả năng các đợt mưa lớn vẫn tiếp tục xuất hiện ở khu vực Bắc Bộ cũng như Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng 8. Các khu vực nêu trên cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại trong những ngày tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương khu vực miền núi và trung du Bắc Bộ thực hiện nghiêm Công điện số 726/CĐ-TTg ngày 6/8/2023 của Thủ tướng Chính về tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền núi và trung du Bắc Bộ.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 725/CĐ-TTg ngày 4/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó mưa lũ, sụt lún, sạt lở đất, bảo đảm an toàn hồ đập tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ; Công điện số 691/CĐ-TTg ngày 31/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ, sạt lở đất. 

Chủ động ứng phó với mưa lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc, các địa phương tập trung xử lý kịp thời các tuyến đường giao thông, công trình hồ đập, thủy lợi bị hư hỏng; vệ sinh môi trường, đề phòng dịch bệnh; tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, đô thị và khu công nghiệp, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Các địa phương khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất theo văn bản số 288/VPTT ngày 1/8/2023 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai trong đó lưu ý việc theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, mưa lũ, gió mạnh trên biển để triển khai các biện pháp ứng phó.

Theo phóng viên TTXVN tại các địa phương, ngày 8/8, mưa lũ xảy ra đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của người dân tại một số địa bàn trong cả nước. Các tỉnh đang nỗ lực huy động lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả mưa lũ.

Tại tỉnh Lào Cai, mưa lũ đã làm một người chết (tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng), 104 ngôi nhà bị ảnh hưởng, 195, 5 ha lúa, ngô, hoa mầu bị ngập; hư hại nhiều công trình thủy lợi, công trình cấp nước ở các địa phương, gây chia cắt nhiều tuyến giao thông trên Quốc lộ 4D, tỉnh lộ 152, tỉnh lộ 158, làm sập 1 cầu dân sinh tại thành phố Lào Cai...

Tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các địa phương chủ động ứng phó với mưa lớn, kèm theo dông, lốc, sét đánh, lũ quét có thể xảy ra. Lãnh đạo huyện Bảo Thắng đã đến hiện trường chỉ đạo phắc phục, thăm hỏi gia đình nạn nhân bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở cho hộ gia đình bị sập nhà ở tạm tại nhà văn hóa thôn.

Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, mưa lũ gây sạt lở đất làm hư hại nhiều nhà cửa của người dân; làm gãy và cuốn trôi ba cột điện 35kW khiến toàn huyện mất điện đến nay chưa có. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã thành lập ba tổ công tác xuống xã Khao Mang và xã Hồ Bốn để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Công ty Cổ phần Xây dựng đường bộ 1-Yên Bái đã huy động tối đa phương tiện, máy móc kịp thời khắc phục các điểm sạt lở.

[Mưa lũ làm 10 người thương vong tại Lai Châu, Yên Bái và Sơn La]

Bên cạnh đó, huyện Mù Cang Chải đã thành lập nhiều đoàn đi kiểm tra, giúp chính quyền, nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả; thăm hỏi động viên kịp thời gia đình có người bị chết với số tiền hỗ trợ là 38 triệu đồng, hỗ trợ 40 triệu đồng đối với hộ có nhà bị sập trôi hoàn toàn.

Huyện chỉ đạo các địa phương bị thiên tai nỗ lực tìm kiếm người còn mất tích; di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm và huy động các nguồn lực, lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Mưa lớn đã làm công trình nhà lưu trú Huyện ủy Tu Mơ Rông tỉnh Kom Tum bị sụp móng chân tường sâu khoảng 2 m, dài khoảng 9 m; khoảng 9 m tường rào và mương thoát nước bê tông sát chân tường rào đổ sụp hoàn toàn. Mưa lớn gây sạt lở, hư hỏng 76 vị trí trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên thôn, liên xã, trong đó, thiệt hại nặng nhất là tuyến đường Sa Thầy-Yaly-thôn Tam An (xã Sa Sơn)-Ya Mô-Làng Rẽ (xã Mô Rai) với 41 vị trí bị sạt lở, xói mòn, đất tràn mặt đường. 

Tập trung khắc phục thiệt hại do thiên tai ở các địa phương ảnh 2Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Để triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Kon Tum, nhất là các huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mưa lũ, bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất,… cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời tới các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Đối với sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng gây ảnh hưởng đến nhiều hộ dân và hơn 50.000m2 đất sản xuất của người dân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Lâm Hà và chủ đầu tư công trình xử lý vấn đề cấp bách, trước mắt là giải quyết nhu cầu đường đi, điện sinh hoạt cho khoảng 50 hộ dân đang sinh sống tại khu vực này.

Ngày 8/8, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị tỉnh cần hoàn thành khoan thăm dò tại 15 điểm, đưa ra giải pháp phù hợp làm chậm lại sự di chuyển của khối trượt.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục