Tập trung dập bệnh tại 12 khu vực báo động đỏ về sốt xuất huyết

Đến nay, Hà Nội có 18.862 ca sốt xuất huyết, trong đó 16.343 ca đã khỏi; có 2.112 ổ bệnh, hiện còn 654 ổ bệnh đang hoạt động. Dự báo trọng tâm dịch trong tháng 9-10, có thể kéo dài đến tháng 12.
Tập trung dập bệnh tại 12 khu vực báo động đỏ về sốt xuất huyết ảnh 1Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc kiểm tra công tác phòng dịch sốt xuất huyết tại Công ty cổ phần Long Mã-Cụm công nghiệp Thanh Oai. (Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN)

Sáng 22/8, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã đi kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại huyện Thanh Oai, địa bàn có số người mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực ngoại thành.

Kiểm tra tại Công ty cổ phần Long Mã-Cụm công nghiệp Thanh Oai, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã trò chuyện và nhắc nhở các công nhân, chủ cơ sở cần giữ gìn vệ sinh nơi ăn ở, thực hiện biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Tại một hộ dân thuộc xã Bích Hòa làm nghề sản xuất đậu phụ, người dân đã ý thức được nguy cơ cũng như chủ động phòng, chống sốt xuất huyết cho những người trong gia đình và cộng đồng xung quanh.

Theo báo cáo của huyện Thanh Oai, tất cả 21/21 xã, thị trấn trên địa bàn đều đã có bệnh nhân sốt xuất huyết với 649 ca sốt xuất huyết được ghi nhận, 58 ổ bệnh, tăng cao so với cùng kỳ năm trước; trong đó, bệnh nhân tập trung nhiều tại các xã Bích Hòa, Cự Khê, Dân Hòa, Bình Minh. Hiện vẫn còn 162/648 bệnh nhân đang điều trị, 17/58 ổ bệnh đang hoạt động.

Huyện Thanh Oai đã huy động sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị và người dân tham gia chống bệnh; triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, diệt bọ gậy; thành lập các đội xung kích thường xuyên đôn đốc và giám sát việc diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết.

Nhìn chung, hoạt động truyền thông được đẩy mạnh, tăng cường đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và động viên người dân tham gia tích cực vào hoạt động phòng chống bệnh. Kỹ năng giám sát và xử lý dịch bệnh của cán bộ y tế được nâng lên, các ổ bệnh sốt xuất huyết được điều tra dịch tễ, bao vây khoanh vùng xử lý tốt.

Tuy vậy, hiện nay công tác phòng chống bệnh trên địa bàn huyện Thanh Oai còn gặp một số khó khăn do nhân lực y tế ít, nhiều ca bệnh, ổ bệnh xuất hiện cùng thời gian nên công tác điều tra bệnh nhân, côn trùng, xử lý và thu dung, điều trị bệnh nhân gặp khó khăn.

Ngoài ra, nhiều địa phương có làng nghề truyền thống như làm lồng chim tại xã Dân Hòa; làm miến, tương tại xã Cự Khê có nhiều phế thải đọng nước tạo thành các ổ bọ gậy; người dân chưa hoàn toàn phối hợp và chủ động trong việc xử lý môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi.

Bên cạnh đó, thời tiết đang thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Sự tham gia giao lưu buôn bán và làm việc của người dân tới các quận nội thành, nơi có số ca sốt xuất huyết cao khiến bệnh tiếp tục gia tăng trên địa bàn.

Trên thực tế, số bệnh nhân sốt xuất huyết còn cao hơn số liệu trong báo cáo do người dân tự điều trị tại cộng đồng và phòng khám đa khoa khu vực. Nhân lực cán bộ dập bệnh được tăng cường tối đa nhưng đã có những cán bộ y tế mắc sốt xuất huyết trong khi nguy cơ bệnh vẫn tăng cao.

[Hà Nội: Nhân viên văn phòng bị bệnh sốt xuất huyết nhiều nhất]

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết đến nay, thành phố có 18.862 ca sốt xuất huyết, trong đó 16.343 ca đã khỏi; có 2.112 ổ bệnh, hiện còn 654 ổ bệnh đang hoạt động.

Gần đây, số lượng bệnh nhân chững lại, bước đầu giảm dần nhưng diễn biến còn phức tạp, trọng tâm dịch trong tháng 9-10, có thể kéo dài đến tháng 12.

Thành phố đã yêu cầu các quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống bệnh, lấy xã, phường, thị trấn làm đơn vị giám sát; người dân là lực lượng nòng cốt và phát huy vai trò giám sát của tổ xung kích.

Cùng với đó, thành phố huy động người dân tích cực tham gia phòng bệnh sốt xuất huyết và sẽ thực hiện cưỡng chế nếu người dân không tự giác thực hiện.

Biện pháp căn bản là phải thực hiện vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Các xã, thị trấn củng cố lại đội xung kích, xây dựng kế hoạch diệt bọ gậy tại gia đình, khu vực công cộng; thực hiện phun thuốc diệt muỗi toàn diện và trọng điểm...

Tập trung dập bệnh tại 12 khu vực báo động đỏ về sốt xuất huyết ảnh 2Phường Quỳnh Lôi-quận Hai Bà Trưng tổ chức phun thuốc xịt muỗi trên phố Thanh Nhàn. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Sau khi kiểm tra thực tế tại địa bàn điểm nóng của bệnh sốt xuất huyết, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu lãnh đạo huyện tiếp tục huy động hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng, đặc biệt là các tổ chức đoàn thể, nêu cao vai trò trách nhiệm của các cấp lãnh đạo để triển khai hiệu quả công tác phòng chống bệnh.

Dự báo, bệnh sẽ còn phát triển trong tháng 9-10 và khả năng kéo dài đến tháng 12 nên cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai các hoạt động dập bệnh; tăng cường kiểm tra, xem xét trách nhiệm đối với lãnh đạo quận, huyện nếu để bệnh tiếp tục phát triển.

Ngoài ra, các đơn vị sử dụng hiệu quả trang thiết bị, hóa chất phục vụ phòng chống bệnh, không để thiếu nhưng cũng tránh lãng phí; điều tiết nhân lực, tập trung cho những khu vực trọng điểm bệnh sốt xuất huyết như huyện Thanh Oai và 12 khu vực báo động đỏ trên địa bàn thành phố để dập tắt bệnh sốt xuất huyết trong thời gian sớm nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục