Tập trung đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh

Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh tập trung đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe cộng đồng tốt nhất.

Lực lượng bộ đội tham gia dọn dẹp trường học sau lụt bão tại xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Lực lượng bộ đội tham gia dọn dẹp trường học sau lụt bão tại xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Căn cứ các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về triển khai công tác phòng chống bão số 3, tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh tập trung đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh... để bảo vệ sức khỏe cộng đồng tốt nhất.

Tỉnh yêu cầu Sở Y tế rà soát lại toàn bộ các văn bản đã chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn đối với các cơ quan, đơn vị, cơ sở để cập nhật, bổ sung đầy đủ các nội dung đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác xử lý môi trường nước, phòng chống dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm sau mưa lũ và ngập lụt.

Sở rà soát, đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ, nhất là vùng ngập lụt; rà soát, bổ sung và chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh trong tình huống thiên tai trên địa bàn để chủ động ứng phó kịp thời...

Sở Y tế chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh cung cấp thông tin, tài liệu để đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp xử lý nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ quan, đơn vị, người dân theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngành Y tế tỉnh chủ động chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường thu gom, phân loại, lưu giữ và xử lý chất thải y tế; vệ sinh môi trường trong khuôn viên cơ sở y tế và khử khuẩn tại các khoa, phòng; kiểm tra hệ thống xử lý nước thải y tế, hệ thống thu gom và xử lý chất thải y tế.

Ngành tổ chức kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm, kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau mưa lũ, ngập lụt như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn...

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và khu vực chăn nuôi bằng thuốc sát trùng; rắc vôi bột hoặc phun thuốc sát trùng toàn bộ hành lang, lối đi và phương tiện vận chuyển; sửa chữa, gia cố chuồng trại chăn nuôi, hệ thống nước uống, hệ thống nước thải; nạo vét, khơi thông hệ thống cống rãnh, phát quang bụi rậm khu vực quanh chuồng nuôi...

Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hàng trăm thôn xóm bị ngập nước. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, học tập các bậc học phổ thông ở vùng lũ lụt phải tạm dừng.

Vĩnh Phúc đang huy động các lực lượng tập trung khắc phục hậu quả bão lũ gây ra, cuộc sống người dân nói chung đang dần trở lại bình thường.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục