Chiều 31/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.
Việt Nam có ca đầu tiên tử vong do dịch COVID-19
Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho biết tính đến 19 giờ ngày 31/7, Việt Nam ghi nhận 546 ca mắc COVID-19, trong đó có 1 ca tử vong (bệnh nhân 428, sinh năm 1950, trú tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Ổ dịch tại Đà Nẵng ghi nhận 80 ca mắc COVID-19, trong đó có 8 nhân viên y tế, 44 bệnh nhân, 26 người nhà bệnh nhân và 2 ca phát hiện tại cộng đồng (bệnh nhân 420, 434).
Chỉ riêng sáng ngày 31/7 ghi nhận thêm 45 trường hợp - đã được cách ly tại cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm.
Năm tỉnh, thành phố khác ghi nhận 13 ca mắc COVID-19 gồm: Quảng Nam (7 ca); Quảng Ngãi (1 ca); Thành phố Hồ Chí Minh (2 ca); Hà Nội (2 ca); Đắk Lắk (1 ca).
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, diễn biến dịch bệnh tại Đà Nẵng tương đối phức tạp do đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm. Tuy nhiên, hầu hết các ca nhiễm đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến ổ dịch tại cụm ba bệnh viện ở Đà Nẵng. Một số ca khác không liên quan đến cụm bệnh viện đang được tiến hành điều tra nguồn gốc lây nhiễm.
Bộ Y tế xác định tình hình ở Đà Nẵng không đơn giản do các bệnh nhân mắc COVID-19 đều là bệnh nhân đang điều trị bệnh lý nền nặng (cấp cứu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo). Do đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo sát sao; tập trung phương tiện, trang thiết bị; điều động lực lượng tốt nhất vào Đà Nẵng.
Đến nay, Bộ Y tế nâng công suất xét nghiệm tại Đà Nẵng lên 10.000 mẫu/ngày; đồng thời thành lập “Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 tại thành phố Đà Nẵng” để tăng cường công tác chỉ đạo và thực hiện hoạt động phòng, chống dịch.
Hiện, công tác tiến hành truy vết, xác định số lượng người đến và đi từ Đà Nẵng và từ cụm bệnh viện để phát thông tin cảnh báo, gửi tin nhắn... được tiến hành khẩn trương; đồng thời tiếp tục rà soát, triển khai lấy mẫu để xét nghiệm diện rộng, truy vết trong cộng đồng. Tính đến nay, cả nước đã thực hiện 451.491 xét nghiệm Realtime RT-PCR.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà; giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; hạn chế đến nơi đông người khi không cần thiết; thực hiện trạng thái bình thường mới, ưu tiên công tác phòng, chống dịch.
Chuẩn bị kỹ lưỡng cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2020
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc khẳng định Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2020 vẫn diễn ra theo lịch từ ngày 8-10/8/2020. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 2832/BGDĐT-QLCL đến các địa phương về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2020 trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
[Đà Nẵng khẩn trương thiết lập 2 trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19]
Cụ thể, phân loại các thí sinh thành 4 nhóm đối tượng F0, F1, F2, F3 và nhóm các thí sinh khác. Riêng thí sinh thuộc diện F0 (phải cách ly và điều trị tại các cơ sở y tế không thể dự thi) sẽ được xem xét đặc cách tốt nghiệp theo quy định. Các thí sinh có nhu cầu xét tuyển vào các trường đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các cơ sở đào tạo đại học xem xét, có phương thức tuyển sinh phù hợp theo tinh thần tự chủ đại học; qua đó, đảm bảo quyền lợi của học sinh.
Trong quá trình tổ chức thi, thí sinh có biểu hiện ho, sốt sẽ được bố trí thi tại phòng thi dự phòng. Cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc diện F0, F1, F2 không tham gia vào kỳ thi.
Nhấn mạnh việc tham gia Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông không chỉ để xét tốt nghiệp mà còn đảm bảo quyền lợi xét tuyển vào đại học của học sinh, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nêu rõ: “Việc tự chủ tuyển sinh đại học của các trường thực hiện theo nhiều phương thức khác nhau. Tuy nhiên, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông vẫn là phương thức quan trọng nhất để xét tuyển của các trường hiện nay."
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp Bộ Y tế, các địa phương theo dõi sát sao để đảm bảo kỳ thi trước diễn biến nhanh của tình hình dịch bệnh.
Liên quan đến công tác đón công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết Bộ Ngoại giao đã hướng dẫn các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp các cơ quan chức năng trong nước thu xếp các chuyến bay chở công dân Việt Nam thuộc các đối tượng ưu tiên về nước, trong đó có chuyến bay chở 219 công dân từ Guinea Xích Đạo về nước ngày 29/7.
Các trường hợp này đã được chở thẳng đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) để cách ly, xét nghiệm và điều trị.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao đã thực hiện các chuyến bay chở 212 công dân từ Indonesia về nước ngày 29/7; chở 170 công dân từ Brunei về nước ngày 29/7; chở khoảng 290 công dân từ Hoa Kỳ về nước ngày 30/7; chở khoảng 240 công dân từ Myanmar về nước ngày 30/7.
Không chủ quan trước dịch bệnh
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định ưu tiên cao nhất hiện nay nhằm tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng khẳng định: "Tập trung cao nhất khoanh gọn, dập sớm ổ dịch ở Đà Nẵng."
Phó Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của lực lượng Công an, Quốc phòng, Bộ Y tế trong việc tăng cường các chuyên gia, lực lượng tham gia phòng, chống dịch tại Đà Nẵng. Với tinh thần “y tế là tuyến đầu chống dịch," Bộ Y tế đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo hệ thống các bệnh viện lên dây cót, thực hiện nghiêm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch về tầm soát, sàng lọc, bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ.
“Các khoa có bệnh nhân nặng, có bệnh nền nặng phải phòng thủ thật chặt," Phó Thủ tướng lưu ý.
Thông tin đến hiện nay cho thấy các ca bệnh chủ yếu liên quan đến cụm ba bệnh viện tại Đà Nẵng. Trước tình hình dịch bệnh, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương, đặc biệt các thành phố lớn tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Trước diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình dịch bệnh trên thế giới, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất trình Thủ tướng ban hành văn bản theo đúng tinh thần “sẵn sàng trong thời kỳ bình thường mới” khi có những sự cố như ở Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục theo dõi, bám sát các phương án chuẩn bị thi từ rất sớm, kể cả phương án một tỉnh hoặc một số tỉnh có dịch phải cách ly theo Chỉ thị 16/CT-TTg; căn cứ tình hình, báo cáo Thủ tướng để quyết định phương án thi.
Trên tinh thần các phương án thi phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về sức khỏe, Phó Thủ tướng nhấn mạnh kỳ thi nhằm mục đích chính xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông nhưng tỷ lệ lớn học sinh, các trường đại học dựa vào kết quả kỳ thi để tuyển sinh vào đại học, do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý đảm bảo cơ hội cho học sinh được vào đại học theo nguyện vọng, năng lực./.