Tập trận Siêu lá chắn Garuda: Lần đầu diễn tập chiến đấu trên không gian mạng

Bên cạnh các chương trình như huấn luyện bắn đạn thật và huấn luyện thực địa trong rừng, tập trận Siêu lá chắn Garuda đánh dấu lần đầu tiên, các nước thực hiện các bài tập trận an ninh mạng.

Indonesia cử hơn 4.400 binh lính, Mỹ cử 1.800 binh lính và hàng trăm binh lính của các nước khác tham gia SGS 2024. (Nguồn: AFP)
Indonesia cử hơn 4.400 binh lính, Mỹ cử 1.800 binh lính và hàng trăm binh lính của các nước khác tham gia SGS 2024. (Nguồn: AFP)

Ngày 26/8, Indonesia, Mỹ và các quốc gia khác chính thức bắt đầu cuộc tập trận Siêu lá chắn Garuda (SGS) 2024. Đây là cuộc tập trận quân sự đa phương thường niên do quân đội Indonesia phối hợp với Mỹ và các nước tổ chức.

Lực lượng quốc phòng từ 22 quốc gia đã tập trung tại căn cứ Hải quân Surabaya của Indonesia để khai mạc cuộc tập trận chung. SGS 2024 sẽ kéo dài 2 tuần từ 26/8-6/9, với các nội dung tập trận được tổ chức tại nhiều địa điểm ở Indonesia, bắt đầu từ Sidoarjo, Đông Java.

Tham gia tập trận với quân đội Indonesia và Mỹ có lực lượng đến từ Australia, Nhật Bản, Anh, Singapore, Hàn Quốc, Canada, New Zealand và Pháp.

Indonesia cử hơn 4.400 binh lính, Mỹ cử 1.800 binh lính và hàng trăm binh lính của các nước khác tham gia SGS 2024.

Các nước Brazil, Brunei, Fiji, Đức, Ấn Độ, Malaysia, Hà Lan, Papua New Guinea, Philippines, Saudi Arabia, Timor-Leste và Vanuatu tham gia với tư cách quan sát viên.

Đáng chú ý, bên cạnh các chương trình thường niên như huấn luyện bắn đạn thật và huấn luyện thực địa trong rừng, SGS 2024 đánh dấu lần đầu tiên, các nước tham gia thực hiện các bài tập trận an ninh mạng.

Cuộc tập trận an ninh mạng được thiết kế nhằm giúp các quốc gia sẵn sàng ứng phó các mối đe dọa mạng bằng cách xây dựng năng lực cho các hoạt động mạng đa quốc gia. Lực lượng quân đội từ Indonesia, Mỹ, Pháp, Singapore và Anh tham gia hoạt động này.

Giám đốc Đào tạo SGS thuộc Lực lượng Vũ trang Indonesia (TNI), Maman Firmansyah, khẳng định cuộc tập trận giúp xây dựng lòng tin nhằm tăng cường quan hệ quân sự song phương và đa phương.

Trong khi đó, Tư lệnh Lực lượng phòng không Hawaii (Mỹ) Thiếu tướng Joseph Harris cho biết sự kiện đa quốc gia này được tổ chức để nâng cao năng lực chung của các bên tham gia.

Cuộc tập trận bao gồm các hoạt động trao đổi học thuật, hội thảo chuyên môn, diễn tập chỉ huy, huấn luyện thực địa và kết thúc bằng hoạt động bắn đạn thật.

Chương trình huấn luyện sẽ bao gồm diễn tập thực địa và không gian mạng, chiến đấu trên không, phối hợp tấn công, diễn tập đổ bộ và hoạt động tác chiến mô phỏng trên bộ.

Indonesia tổ chức các cuộc tập trận chung thường niên kể từ năm 2007, ban đầu chỉ có sự tham gia của quân đội Indonesia và Mỹ.

Đến năm 2022, quy mô tập trận được mở rộng với sự tham gia của quân đội từ các quốc gia khác, chủ yếu là các đồng minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục