Tập trận hải quân Trung Quốc-Pakistan: Hơn cả tính biểu tượng

Các cuộc tập trận hiện nay ngày càng phức tạp và được thiết kế hơn cả biểu tượng quan hệ hữu nghị Trung Quốc-Pakistan khiến Ấn Độ cũng như Mỹ hết sức lo ngại.
Tập trận hải quân Trung Quốc-Pakistan: Hơn cả tính biểu tượng ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Baaghi TV)

Theo trang mạng eurasiareview.com, từ đầu tuần trước, hải quân Trung Quốc và Pakistan bắt đầu cuộc tập trận hải quân song phương lần thứ 6, mang tên “Người bảo vệ biển 2020” ở Biển Bắc Arab.

Các cuộc tập trận quân sự như vậy là để tăng cường hợp tác giữa hai nước, vốn được coi là “những người anh em thân thiết.”

Theo truyền thông Trung Quốc, các cuộc tập trận hải quân này nhằm mục đích tìm kiếm cách thức mới để thực hiện các cuộc tập trận hải quân chung giữa Trung Quốc và Pakistan trong khi tăng cường khả năng cùng giải quyết các vấn đề như khủng bố và tội phạm trên biển.

Cuộc tập trận này cũng rất nhạy cảm bởi nó diễn ra ở bờ biển phía Tây Ấn Độ, một khu vực an ninh quan trọng theo quan điểm của New Delhi.

Rõ ràng, cuộc tập trận “Người bảo vệ biển 2020” sẽ rất quan trọng đối với Trung Quốc vì nó giúp hải quân nước này làm quen và hiểu rõ hơn về các điều kiện hoạt động ở khu vực này của biển Arab.

Hơn nữa, việc tiếp cận sâu hơn với biển Arab thông qua Pakistan cũng có thể là một động lực hấp dẫn đối với Trung Quốc vì nó có thể là một tuyến đường thay thế cho Trung Quốc trong trường hợp hải quân của một kẻ thù có ý định phong tỏa eo biển Malacca.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng sẽ có những lo ngại vì bờ biển của Ấn Độ ở Biển Ảrập có một số cảng lớn như Kandla, Okha, Mumbai, Nhava Sheva (Navi Mumbai), Mormugão, New Mangalore và Kochi.

Đối với Trung Quốc, Biển Arab cũng rất quan trọng trong bối cảnh căn cứ không và hải quân Jiwani của họ gần với Cảng Gwadar và Cảng Chahabar của Iran do Ấn Độ và Iran cùng phát triển.

[Trung Quốc và Pakistan nhất trí thúc đẩy quan hệ chiến lược]

Trung Quốc có vẻ rất hào hứng tiến hành các cuộc tập trận hải quân một cách thường xuyên. Trong một bài viết về các cuộc tập trận trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, nghiên cứu viên cao cấp Zhang Junshe tại Viện nghiên cứu quân sự hải quân Trung Quốc lập luận rằng “việc tiến hành các cuộc tập trận và biến chúng thành thường xuyên sẽ tăng cường hơn nữa tình hữu nghị và hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan.”

Tương tự, Zhou Hanwen, chỉ huy cuộc tập trận này, tuyên bố rằng “việc huấn luyện liên quan đến tàu ngầm sẽ tăng cường khả năng chiến đấu của hải quân hai nước và thể hiện sự tin tưởng chiến lược lẫn nhau ở mức độ rất cao.”

Bình luận về cuộc tập trận, Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan Yao Jing nói rằng cuộc tập trận “phản ảnh mong muốn tốt đẹp của hải quân hai nước trong việc cùng xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh hàng hải, và thể hiện sự tin tưởng và khả năng cùng nhau bảo vệ hòa bình và an ninh hàng hải.”

Cuộc tập trận bắt đầu tại Xưởng sửa chữa và đóng tàu hải quân Pakistan ở thành phố Karachi và diễn ra trong 9 ngày (6-14/1).

Tại Lễ khai mạc, Phó Đô đốc Dong Jun- Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến khu miền Nam Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA)- và Phó Đô đốc Asif Khaliq - Tư lệnh Hạm đội Hải quân Pakistan- đã có bài phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác chung giữa hải quân hai nước.

Trung Quốc tiếp tục nhắc lại rằng các cuộc tập trận hải quân không liên quan đến tình hình ở Trung Đông và không nhắm vào bên thứ ba. Theo PLA, cuộc tập trận gồm hai phần - “huấn luyện chung ở thành phố Karachi và bắn đạn thật ở phía bắc Biển Arab”- và sẽ bao gồm các cuộc thảo luận, mô phỏng chiến thuật, tuần tra chung, phòng không và tên lửa, kiểm tra thực thi pháp luật và hoạt động chống tàu ngầm.”

Đối với cuộc tập trận này, Hải quân Trung Quốc đã triển khai 5 tàu lớn, bao gồm tàu khu trục tên lửa dẫn đường Yinchuan, kinh hạm tên lửa dẫn đường Yuncheng, tàu tiếp vận Weishanhu và tàu giải cứu tàu ngầm Liugongdao, trong khi đại diện cho Pakistan là 2 tàu khu trục Zulfiquar lớp F22P/F21, 2 tàu tấn công nhanh, 1 máy bay tuần tra chống ngầm, 2 máy bay trực thăng và hơn 60 sỹ quan đặc nhiệm.

Hải quân hai nước sẽ tham gia một số bài tập huấn luyện bao gồm tuần tra chung, phòng không, chống ngầm, bắn đạn thật và huấn luyện chung trên biển.

Hải quân Pakistan cho rằng mục đích của cuộc tập trận là tăng cường khả năng kỹ thuật, chiến thuật của hải quân hai nước, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn chống lại các mối đe dọa hàng hải, phát triển cách tiếp cận hiệp lực giữa hai bên và bảo vệ an ninh hàng hải khu vực.

Trang mạng mới của Hải quân Trung Quốc có tên “navy.81.cn” cung cấp một bản tóm tắt chi tiết về cuộc tập trận này, bao gồm các nền tảng hải quân đã được triển khai.

Nó cũng lưu ý rằng cuộc tập trận hải quân chung là nằm trong chuỗi các cuộc tập trận mang tên “chiến binh” giữa quân đội hai nước và “đại bàng” giữa không quân hai nước.

Trung Quốc và Pakistan đã có quan hệ đối tác chiến lược kéo dài hàng thập kỷ và họ đã tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự. Nhưng các cuộc tập trận hiện nay ngày càng phức tạp và được thiết kế hơn cả biểu tượng quan hệ hữu nghị Trung Quốc-Pakistan.

Các cuộc tập trận song phương này cần phải được nhìn nhận trong bối cảnh cuộc tập trận hải quân Trung Quốc-Pakistan-Iran-Nga gần đây, khiến Ấn Độ cũng như Mỹ hết sức lo ngại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục