Tấp nập người dân đi làm thẻ Căn cước mẫu mới ở Hà Nội

Rất đông người dân đặc biệt là trẻ em đủ điều kiện làm thẻ Căn cước mới đã có mặt tại trụ sở Phòng Cảnh Sát Quản lý Hành Chính về Trật tự xã hội, Công an Hà Nội để làm thủ tục.
Ghi nhận sáng 1/7 - ngày đầu tiên Bộ Công an chính thức cấp thẻ Căn cước mới, tại trụ sở Phòng Cảnh Sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội (Công an thành phố Hà Nội) ngay từ 7h rất đông người dân đã có mặt để thực hiện việc cấp, đổi thẻ Căn cước mới. (Ảnh: Tuấn Hùng/Vietnam+)
Để thực hiện có hiệu quả việc cấp thẻ Căn cước, ngoài việc bảo đảm các điều kiện cần thiết về nhân lực, thiết bị, Bộ Công an đã tập trung tuyên truyền, hoàn thiện các phần mềm, hệ thống, tổ chức tập huấn cho cán bộ trực tiếp thực hiện, phối hợp với các đơn vị và chính quyền địa phương. (Ảnh: Tuấn Hùng/Vietnam+)
Trung tá Nguyễn Thành Lâm - Trưởng phòng Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội, Công an thành phố Hà Nội cho biết đơn vị đã sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ để đảm bảo sẵn sàng thu nhận hồ sơ, cấp thẻ Căn cước cho công dân, Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, từ ngày 1/7. (Ảnh: Tuấn Hùng/Vietnam+)
Trung tá Nguyễn Thành Lâm nhận định đây là một trong những đột phá trong việc xây dựng luật đồng thời là một trong những điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch, nhất là trong quá trình đi lại đối với trẻ em từ dưới 14 tuổi. (Ảnh: Tuấn Hùng/Vietnam+)
Trung tá Lâm cũng khuyến cáo người dân đối với trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của pháp luật không phải thực hiện thu thập sinh trắc học, chỉ cần đăng ký trên cổng dịch vụ công là đủ điều kiện để cấp căn cước, không cần phải đến trụ sở các cơ quan công an. Đối với trẻ em từ 6 đến dưới 14 tuổi, đây là một trong những trường hợp bắt buộc phải đến để làm thẻ Căn cước. Do đó khi đến phải có đại diện pháp luật hợp pháp. "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành phối hợp với gia đình, nhà trường để có thể tạo điều kiện thuận lợi trong vấn đề thu nhận tại các khu trường học để đảm bảo an toàn cho các cháu khi đi lại cũng như đảm bảo quyền lợi của tất cả học sinh," Trung tá Lâm nói. (Ảnh: Tuấn Hùng/Vietnam+)
Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7 có 10 điểm mới, trong đó mở rộng đối tượng được thu nhận hồ sơ, cấp thẻ căn cước cho công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi, từ 6 đến dưới 14 tuổi; từ 14 tuổi trở lên và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch từ ngày 01/7/2024. (Ảnh: Tuấn Hùng/Vietnam+)
Tại khu vực làm thẻ Căn cước mới, rất đông phụ huynh đã mang con em mình đến để thực hiện việc cấp thẻ Căn cước lần đầu. (Ảnh: Tuấn Hùng/Vietnam+)
Chị Đinh Thị Anh Trâm (phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội) dẫn 2 con mình Trần Phương Thảo (11 tuổi) và Trần Thảo My (8 tuổi) đến làm thủ tục cấp thẻ Căn cước lần đầu. (Ảnh: Tuấn Hùng/Vietnam+)
Chị Trâm cho biết được lực lượng công an hỗ trợ rất nhiệt tình để hoàn thiện thủ tục cấp thẻ Căn cước cho các con mình nhanh chóng. "Việc được cấp thẻ Căn cước mới cho các con mình rất tiện lợi. Gia đình mình về sau có tổ chức cho các con đi xa như máy bay rất tiện, không phải mang nhiều hồ sơ giấy tờ nữa," chị Trâm nói. (Ảnh: Tuấn Hùng/Vietnam+)
Theo Cục C06, thẻ Căn cước có giá trị tương đương thẻ Căn cước công dân. Công dân đang sử dụng thẻ Căn cước công dân còn thời hạn sử dụng vẫn được sử dụng đến khi hết hạn mới phải đổi sang thẻ Căn cước, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ Căn cước công dân sang thẻ Căn cước. (Ảnh: Tuấn Hùng/Vietnam+)
Luật Căn cước còn quy định bổ sung việc thu thập thông tin sinh trắc học. Theo đó, cơ quan làm căn cước sẽ thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp căn cước. (Ảnh: Tuấn Hùng/Vietnam+)
Anh Nguyễn Văn Thàng (Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm) chia sẻ qua quá trình tìm hiểu về những lợi ích mới của thẻ Căn cước mới, anh đã có mặt từ sớm và là một trong những người đầu tiên của cả nước thực hiện việc đăng ký cấp, đổi thẻ. (Ảnh: Tuấn Hùng/Vietnam+)
Thàng cũng là một trong những công dân đầu tiên tích hợp thông tin sinh trắc học về ADN vào cơ sở dữ liệu căn cước.(Ảnh: Tuấn Hùng/Vietnam+)
Việc tích hợp thông tin sinh trắc học về ADN vào cơ sở dữ liệu căn cước có rất nhiều lợi ích. Thông tin ADN được sử dụng để xác minh danh tính trong những hoàn cảnh éo le như thiên tai, tai nạn, hỏa hoạn, hỗ trợ nhận diện người thân... góp phần dự phòng biến cố, bình ổn xã hội. (Ảnh: Tuấn Hùng/Vietnam+)
Luật Căn cước được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, đến ngày 1/7/2024 bắt đầu có hiệu lực giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. (Ảnh: Tuấn Hùng/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục