Tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt ở nước ngoài

Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm nay dự kiến kết thúc vào ngày 30/8 với sự tham gia của 80 học viên đến từ 9 quốc gia trên thế giới.
Phổ biến kiến thức về chủ quyền biển đảo Việt Nam trong các lớp học tiếng Việt ở Séc. (Ảnh: Hồng Kỳ/Vietnam+)

Sáng 15/8, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ Khai mạc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2022.

Chào mừng các đại biểu, chuyên gia tiếng Việt, giảng viên và 80 học viên đến từ 9 quốc gia trên thế giới dự Lễ khai mạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Mai Phan Dũng nhấn mạnh bản sắc văn hóa và truyền thống của dân tộc, đặc biệt là tiếng mẹ đẻ, là hồn cốt của mỗi quốc gia, dân tộc. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.

Thực hiện lời căn dặn của Người, Kết luận số 12/KL-TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới và Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam, Nghị quyết 169/NQ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021 - 2026, đã tiếp tục khẳng định nhiệm vụ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Đối với cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, việc giữ gìn tiếng Việt luôn mang ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, vì đây là động lực, sợi dây gắn kết trong cộng đồng và với quê hương, đất nước. Tuy nhiên, cộng đồng cũng đang đứng trước nguy cơ mai một về ngôn ngữ dân tộc, nhất là thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Bên cạnh đó, những hạn chế về phương pháp sư phạm, giáo trình... của các chương trình dạy tiếng Việt trong cộng đồng cũng là những thách thức không nhỏ trong giai đoạn hiện nay.

Nhận thức thực tế này, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài luôn quan tâm đến công tác xây dựng, củng cố, phát triển phong trào dạy, học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc; góp phần phổ biến, truyền bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

[Tôn vinh sự giàu đẹp của tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào]

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của đại dịch COVID-19, phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng vẫn đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Các thầy cô, giáo viên kiều bào vẫn luôn tận tình, nỗ lực phát huy, sáng tạo trong công tác giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ tại nhiều địa bàn. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cống hiến không mệt mỏi của các thầy cô trong sự nghiệp “gieo chữ, trồng người”, mang đạo lý và truyền thống dân tộc sâu sắc.

Nhân dịp này, ông Mai Phan Dũng thông tin về việc Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030, chính thức lựa chọn ngày 8/9 hằng năm là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

“Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng kiều bào với những hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh ngôn ngữ dân tộc. Ngày Tôn vinh tiếng Việt sẽ mang ý nghĩa lan tỏa mạnh mẽ tình yêu tiếng Việt, trở thành động lực thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta”, ông Mai Phan Dũng nhấn mạnh.

Lớp học Tiếng Việt ở Ekaterinburg. (Ảnh: Dương Trí/Vietnam+)

Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài là hoạt động thường niên, được tổ chức từ năm 2013, nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng sư phạm, cập nhật kiến thức cho các giáo viên chuyên và không chuyên đang giảng dạy tiếng Việt tại các cơ sở của cộng đồng. Đến nay, hơn 600 lượt giáo viên kiều bào đã tham gia các khóa tập huấn với sự hỗ trợ của các giảng viên là những chuyên gia ngôn ngữ hàng đầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp lên lớp, giảng dạy.

Do tác động của đại dịch COVID-19 trong hai năm qua (năm 2020 và 2021), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã nỗ lực tổ chức khóa tập huấn theo hình thức trực tuyến, thu hút sự tham gia của hơn 400 giáo viên kiều bào.

Năm 2022, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, là điều kiện thuận lợi để Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khóa tập huấn, nhằm mang lại cho các học viên kỹ năng sư phạm cần thiết, những kiến thức chuyên môn bổ ích, để tiếp tục truyền lại ngôn ngữ dân tộc cho thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài.

Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm nay dự kiến kết thúc vào ngày 30/8./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục