Tập huấn 700 điểm cầu về chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử

Thời gian qua có gần 2 triệu liều vaccine đã được tiêm, phía trước còn khoảng hơn 130 triệu mũi tiêm, vì vậy Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở phải được hướng dẫn chi tiết để tiến hành tiêm an toàn.
Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 19/6. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 lần này với sự vào cuộc của toàn hệ thống y tế Việt Nam từ tuyến tỉnh đến huyện, xã để đạt mục tiêu tiêm chủng an toàn, tiêm đến đâu an toàn đến đó.

Thách thức của chiến dịch lần này là làm sao tiêm được thật nhiều, thật nhanh, nhưng vẫn phải đảm bảo làm sao tỷ lệ tử vong tai biến thật ít.

Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến bảo đảm an toàn tiêm chủng vaccine COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức tới 700 điểm cầu trên toàn quốc diễn ra vào sáng 19/6.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tìm mọi cách để đưa vaccine về Việt Nam sớm nhất. Đây là chiến dịch quan trọng, là vũ khí tấn công và là biện pháp căn cơ lâu dài để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Để triển khai chiến dịch thành công có nhiều khâu như tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển tới các điểm, chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay.

[Bộ Y tế thông tin chi tiết về vaccine phòng COVID-19 của Sinopharm]

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, sắp tới Bộ Y tế sẽ triển khai thêm các điểm tiêm chủng lưu động cho các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, vùng sâu, vùng xa để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận tiêm chủng.

“Để chuẩn bị cho chiến dịch này Bộ Y tế sẽ tổ chức nhiều đợt tập huấn. Đằng sau mỗi mũi tiêm là sức khoẻ, là sự an toàn, tính mạng của người được tiêm chủng. Vì vậy tôi đề nghị các đơn vị phải tập trung tối đa để nghe, tiếp thu những kiến thức các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trình bày, đặc biệt các công tác chuẩn bị tiêm, xử trí sau tiêm. Khi có tai biến xảy ra. Bởi chỉ nhầm 1 chút nếu xảy ra tai biến thì sinh mạng của người được tiêm chủng sẽ khác. Việt Nam xác định mục tiêu đảm bảo tiêm mũi nào an toàn mũi đó,” Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.

Các điểm cầu tham gia họp trực tuyến trên toàn quốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Y tế sẽ thành lập ban chỉ đạo tiêm chủng quốc gia với nhiều tổ, trong đó có tổ an toàn tiêm chủng, tổ tiếp nhận, tổ bảo quản, công nghệ, truyền thông.

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh để đạt được miễn dịch COVID-19 trong cộng đồng thì phải tiêm được 70% dân số. Việt Nam với khoảng 100 triệu dân thì cần phải tiêm khoảng 70-75 triệu người/2 mũi tiêm, với tổng số 140-150 triệu liều tiêm.

Thời gian qua có gần 2 triệu liều vaccine đã được tiêm, phía trước còn khoảng hơn 130 triệu mũi tiêm, vì vậy, các cơ sở phải được hướng dẫn chi tiết để tiến hành tiêm an toàn.

Tại buổi tập huấn, các chuyên gia đã trình bày nhiều chuyên đề về hướng dẫn khám sàng lọc trước khi tiêm chủng vaccine COVID-19, giám sát phản ứng sau tiêm, hướng dẫn xử trí phản vệ sau tiêm phòng vaccine COVID-19, hướng dẫn xử trí huyết khối và giảm tiểu cầu sau tiêm…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục