Nhiệm vụ sớm hoàn tất Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Phương án sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2014-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đang đặt ra yêu cầu đòi hỏi Tập đoàn Vinachem nỗ lực thực hiện kế hoạch đúng lộ trình đã cam kết, nhằm tạo đà bước vào kỳ kế hoạch 2016-2020.
Năm nay, Vinachem đề ra mục tiêu đạt giá trị sản xuất công nghiệp trên 45.000 tỷ đồng và doanh thu trên 49.000 tỷ đồng, tăng tương ứng là 7,2% và 7% so với năm 2014; lợi nhuận dự kiến sẽ không thấp hơn so với năm 2014. Tiền lương và thu nhập của người lao động sẽ tăng khoảng 5% và giá trị tiêu thụ nội bộ của Tập đoàn đạt 50% tổng giá trị mua các nguyên vật liệu cùng loại.
Để thực hiện được mục tiêu này, ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vinachem, cho biết trong năm 2015, Tập đoàn sớm hoàn tất việc cổ phần hóa ở một số công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên như Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; Đạm Ninh Bình; Vật tư và Xuất nhập khẩu Hóa chất.
Tập đoàn cũng sẽ thoái hết vốn ở tám doanh nghiệp là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Inouse Việt Nam, Công ty cổ phần Chứng khoán và Thương mại công nghiệp Việt Nam, Công ty cổ phần Sơn Chất dẻo, Công ty cổ phần Công nghiệp và Hóa chất vi sinh, Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội, Công ty TPC Vina, Công ty cổ phần Pin ắc quy Vĩnh Phú và Công ty cổ phần Phát triển Phụ gia và sản phẩm dầu mỏ.
Ngoài ra, Vinachem phải giảm tỷ lệ vốn do tập đoàn nắm giữ xuống dưới 30% vốn điều lệ ở Công ty cổ phần Thiết kế Công nghiệp Hóa chất và Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng mỏ.
"Đây là những nhiệm vụ quan trọng mà Vinachem phải thực hiện nhằm kiện toàn và hệ thống hóa bộ máy tổ chức một cách khoa học theo hướng tăng cường hiệu quả, tiết giảm chi phí, tập trung nguồn lực vào các mũi nhọn khác như đào tạo nguồn nhân lực, nâng cấp máy móc trang thiết bị cũng như đổi mới công nghệ và dây chuyền sản xuất. Qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2015 và các năm tiếp theo, " ông Chuyên nhấn mạnh.
Năm 2015, nền kinh tế trong nước được dự báo còn nhiều khó khăn, do chịu tác động từ những diễn biến bất ổn của tình hình thế giới. Chưa kể đến, thị trường hàng hóa, đặc biệt trong lĩnh vực hóa chất-phân bón sẽ có những xáo trộn không nhỏ, do ảnh hưởng cung-cầu, do biến động giá dầu và tình hình cạnh tranh căng thẳng khi Việt Nam hòa nhập hoàn toàn vào Cộng đồng các nước Đông Nam Á (ASEAN) cũng như Cộng đồng kinh tế ASEAN. Đây cũng là thời điểm các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước đối tác chính thức có hiệu lực thi hành sẽ xóa bỏ từng bước những rào cản bảo hộ thương mại như thuế quan cùng các chính sách khác. Lường trước được điều này, lãnh đạo Tập đoàn Vinachem xác định, không để chậm trễ hơn công tác cổ phần hóa và sẽ tập trung ưu tiên cho nhiệm vụ tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp.
Tổng giám đốc Tập đoàn Vinachem Nguyễn Gia Tường cho biết sẽ sớm ban hành các quy chế quản trị nội bộ để phù hợp với yêu cầu thực tiễn mà hoạt động quản lý cũng như công tác điều hành của Tập đoàn đang đặt ra. Vinachem cũng đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời đang xúc tiến cùng Bộ Tài chính và Bộ Công Thương nghiên cứu ban hành Quy chế tài chính cho Tập đoàn Vinachem. Văn bản này có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm định hướng hoạt động cho Tập đoàn cũng như quy định cách thức triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra ở hiện tại và ở các giai đoạn tiếp theo.
Công tác tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp tại Công ty mẹ - Tập đoàn Vinachem, được đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống Quy chế quản lý nội bộ, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức và bộ máy quản lý điều hành. Bên cạnh đó, hoàn thiện Quy chế đào tạo cán bộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường công tác kiểm soát nội bộ và đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật cùng các tiến bộ về công nghệ nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí trong sản xuất kinh doanh. Đây là những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên theo hướng bền vững.
Nhìn lại những kết qủa thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Vinachem trong năm 2014, ông Nguyễn Gia Tường tổng kết, đã có ba đơn vị thành viên hoàn tất việc cổ phần hóa là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hóa chất cơ bản miền Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên DAP-Vinachem, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hơi kỹ nghệ Que hàn. Cũng trong năm qua, Tập đoàn Vinachem đã thực hiện thoái vốn xong tại bảy công ty gồm Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Công ty cổ phần Que hàn điện Việt Đức, Công ty cổ phần Tài chính Hóa chất…
Đáng chú ý là ngay cả các đơn vị thành viên cũng có nhiều nỗ lực thực hiện tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp như tập trung vào các ngành, nghề kinh doanh chính thay vì đầu tư dàn trải, thoái vốn ở các lĩnh vực không liên quan và triển khai kế hoạch thoái hết vốn của Tập đoàn tại các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ vốn. Nhiều đơn vị liên tục rà soát để sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động công ty theo quy định, đồng thời đẩy mạnh công tác niêm yết cổ phiếu của công ty theo kế hoạch đã được duyệt./.