Tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới công bố lợi nhuận cao kỷ lục

Tập đoàn Đan Mạch Maersk thông báo lợi nhuận ròng của tập đoàn này trong quý đầu năm 2022 đã tăng hơn hai lần lên 6,8 tỷ USD nhờ doanh thu tăng 55% lên mức hơn 19 tỷ USD.
(Nguồn: AFP)

Ngày 4/5, tập đoàn Maersk của Đan Mạch đã công bố lợi nhuận quý I ở mức cao kỷ lục trong bối cảnh giá vận chuyển container tiếp tục tăng cao.

Đây là tín hiệu tích cực cho phép hãng vận tải biển lớn nhất thế giới này một lần nữa nâng dự báo triển vọng cho cả năm nay.

Sau khi ghi nhận các mức lợi nhuận cao chưa từng có trong năm 2021, Maersk thông báo lợi nhuận ròng của tập đoàn này trong quý đầu năm 2022 đã tăng hơn hai lần lên 6,8 tỷ USD nhờ doanh thu tăng 55% lên mức hơn 19 tỷ USD. Mức lợi nhuận này cao hơn nhiều so với mốc trên 6 tỷ USD ghi nhận trong quý 4/2021, bất chấp việc hủy bỏ đơn hàng trị giá 718 triệu USD sau khi "ông lớn" này quyết định ngừng mọi hoạt động vận chuyển đến và đi từ các cảng của Nga do cuộc xung đột giữa quốc gia Đông Âu này với Ukraine.

Tuần trước, Maersk đã công bố một vài số liệu về thu nhập hàng quý, đồng thời nâng dự báo triển vọng trong cả năm 2022. Theo đó, căn cứ tình hình thị trường hiện nay, bất chấp việc ngừng hoạt động vận tải với Nga, Maersk dự báo lợi nhuận trước khi trừ lãi, thuế, khấu hao tài sản của tập đoàn vào khoảng 30 tỷ USD, tăng cao so với mức dự báo 24 tỷ USD đưa ra trước đó.

[Căng thẳng Nga-Ukraine tác động thế nào đến doanh nghiệp vận tải biển?]

Maersk có trụ sở chính tại Copenhagen và có đại lý trên 130 quốc gia. Đây là tập đoàn vận tải lớn nhất thế giới, ngang hàng với tập đoàn vận tải MSC của Italy. Maersk hiện sở hữu hơn 700 tàu biển, trong đó có một số tàu lớn nhất thế giới loại Panamax (320 m × 33,53 m) và Tàu Emma Maersk (397,71 m × 56,40 m, trọng tải 11.000 TEU).

Trước đó, nhu cầu vận tải biển đột ngột sụt giảm khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhưng đã phục hồi mạnh mẽ từ giữa cho tới cuối năm 2020. Riêng tập đoàn Maersk đã gặt hái các mức lợi nhuận tăng vọt kể từ quý 2/2020. Mặc dù vậy, tình trạng "nút thắt cổ chai" vẫn tồn tại ở nhiều cảng biển trong nhiều tuần gần đây, đặc biệt ở Trung Quốc - nơi đang áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Trong một tuyên bố trích dẫn báo cáo bên ngoài, Tập đoàn Maersk nêu rõ tình trạng tắc nghẽn cảng biển đã giảm nhẹ so với các mức đỉnh điểm tại Mỹ trong quý 1, nhưng lại gia tăng mạnh tại châu Âu và Trung Quốc. Điều này tiếp tục dẫn đến tình trạng thiếu hụt container và gây khó khăn cho các dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục