Tập đoàn truyền thông RT của Nga khẳng định không can thiệp bầu cử Mỹ

RT khẳng định các quảng cáo của hãng trên mạng xã hội năm 2016 hoàn toàn hợp pháp, phù hợp với mọi chuẩn mực, qua đó bác bỏ cáo buộc từ phía Mỹ các quảng cáo này ảnh hưởng đến bầu cử Tổng thống Mỹ.
Tập đoàn truyền thông RT của Nga khẳng định không can thiệp bầu cử Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Sputnik)

Tập đoàn truyền thông RT của Nga khẳng định các quảng cáo của hãng trên mạng xã hội trong năm 2016 hoàn toàn hợp pháp, phù hợp với mọi chuẩn mực, qua đó bác bỏ cáo buộc từ phía Mỹ cho rằng nội dung thông tin quảng cáo của hãng có phần sai lệch, ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2016.

Trong thông cáo đưa ra ngày 29/9, RT chỉ trích việc ban lãnh đạo mạng xã hội Twitter công bố thông tin trước Quốc hội Mỹ rằng hãng đã chi bộn tiền cho các chiến dịch quảng cáo ở Mỹ và gần 2.000 quảng cáo của RT trên mạng xã hội khác biệt so với quảng cáo của nhiều tập đoàn truyền thông khác.

Cụ thể, theo thông tin Twitter tiết lộ, tổng số tiền mà RT chi cho hoạt động quảng cáo tại Mỹ là 274.100 USD. Twitter thậm chí còn cho rằng các tài khoản của RT trên Twitter đã đăng hơn 1.800 dòng trạng thái rõ ràng và ẩn ý nhằm vào đất nước Mỹ.

Thông tin nói trên Twitter đã làm dấy lên quan ngại các thực thể được Nga hậu thuẫn đã tìm cách điều khiển và lợi dụng mạng xã hội để phá hoại hoặc tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.


[Đài RT của Nga bị tố can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ]

Trước thông tin trên, RT khẳng định hãng cần làm rõ vấn đề rằng tập đoàn truyền thông này cũng đã chi tiền cho các quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng như Iternet, truyền hình, phát thanh cũng như tại các khu vực công cộng như sân bay, các biển hiệu quảng cáo,... RT thậm chí lấy CNN làm dẫn chứng khi cho biết tập đoàn truyền thông lớn của Mỹ này cũng phát sóng quảng cáo của RT.

RT là mạng lưới truyền hình của Nga, cung cấp thông tin kinh tế, chính trị, xã hội trên toàn thế giới với thông tin đa chiều bằng nhiều thứ tiếng như Anh, Tây Ban Nha và Arab. Hồi tháng 1/2017, một báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ về vấn đề Nga can thiệp bầu cử Mỹ cho rằng RT thực chất là kênh tuyên truyền quốc tế của Điện Klemlin. Báo cáo khẳng định những thông tin RT tuyên truyền về ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử lúc bấy giờ "hoàn toàn tiêu cực." 

RT đã trở thành tâm điểm của các cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016. Tập đoàn có trụ sở tại Moskva này được cho là có mối liên hệ với cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn, người bị cáo buộc thông đồng với giới chức Nga để can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, điều mà Nga đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ. Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã yêu cầu đài truyền hình RT của Nga đăng ký hoạt động tại Mỹ với tư cách là một "văn phòng đại diện nước ngoài" trong một động thái gia tăng sức ép đối với tập đoàn truyền thông này.

Không chỉ RT, hãng tin Sputnik thuộc tập đoàn truyền thông Rossiya Segodnya của Chính phủ Nga, vốn trước đây là RIA Novosti, cũng đang bị cản trở hoạt động tại Mỹ. Nhà báo Mỹ Andrew Feinberg làm việc tại Sputnik cho biết Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) hiện đang mở cuộc điều tra làm rõ cách thức hoạt động của Sputnik. Bản thân nhà báo này cũng đã bị FBI thẩm vấn ngày 1/9 vừa qua. Sputnik đang điều hành một đài phát thanh tại thủ đô Washington.

Hiện, Facebook, Google và Twitter đang đối mặt với các nghi vấn bị lôi kéo tham gia vào chiến dịch giúp ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Gần đây nhất, Facebook thừa nhận rằng trong khoảng thời gian từ tháng 6/2015 đến tháng 5 năm nay, 470 tài khoản được cho là có yếu tố Nga đã chi 100.000 USD để thực hiện 3.000 quảng cáo có nội dụng vận động chính trị trên trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này. Hãng này sau đó tuyên bố sẽ chia sẻ với các điều tra viên của Quốc hội Mỹ các quảng cáo chính trị trên để phục vụ điều tra.

Những cáo buộc liên quan đến mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Nga đã phủ bóng đen trong suốt những tháng cầm quyền đầu tiên của người đứng đầu Nhà Trắng. Cho đến nay, Tổng thống Trump bác bỏ mọi cáo buộc đội ngũ tranh cử của ông câu kết với Nga và gọi cuộc điều tra này là một cuộc "săn phù thủy." Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích việc điều tra hoạt động tài chính của ông và cảnh báo hành động này của ông Mueller sẽ vượt qua "giới hạn đỏ."

Chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bị cáo buộc tiến hành chiến dịch tấn công mạng và tiết lộ những thông tin gây bất lợi cho ứng cử viên Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên, Moskva luôn khẳng định không liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục