Tập đoàn Shell xác nhận kế hoạch rời khỏi Nam Phi sau hơn 120 năm hoạt động

Shell khẳng định trong quá trình thoái vốn, tập đoàn sẽ duy trì khả năng hoạt động của Shell Downstream Nam Phi, duy trì sự hiện diện của thương hiệu Shell, đảm bảo kết quả tốt nhất cho khách hàng.
Logo của Tập đoàn Shell. (Nguồn: Getty)

Ngày 6/5, tập đoàn Shell đã xác nhận kế hoạch rời khỏi Nam Phi sau hơn 120 năm hoạt động.

Trong một tuyên bố, tập đoàn dầu khí lớn cho họ đã quyết định thoái vốn phần lớn cổ phần khỏi một đơn vị hạ nguồn địa phương ở Nam Phi sau khi xem xét toàn diện những hoạt động kinh doanh hạ nguồn và năng lượng tái tạo trên tất cả các khu vực.

Hoạt động kinh doanh hạ nguồn theo truyền thống bao gồm lọc dầu, vận chuyển và bán nhiên liệu cho khách hàng. Shell có khoảng 700 trạm dịch vụ nhiên liệu ở Nam Phi.

Shell cho biết: "Theo kết quả của cuộc xem xét này, Shell đã quyết định định hình lại danh mục đầu tư hạ nguồn và dự định thoái vốn cổ phần của chúng tôi tại Shell Downstream SA (SDSA). Xét đến lịch sử lừng lẫy của SDSA, quyết định này không hề được xem nhẹ."

Shell mất công suất lọc dầu ở Nam Phi khi nhà máy lọc dầu Sapref - một liên doanh với BP - đóng cửa vào năm 2022.

Kế hoạch bán nhà máy lọc dầu cho Quỹ Năng lượng Trung ương của chính phủ đổ vỡ sau khi lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà máy.

Tuyên bố của tập đoàn cho biết: "Hơn 120 năm ở Nam Phi, Shell đã xây dựng được một di sản to lớn mà tất cả chúng tôi có thể tự hào. Chúng tôi đã đóng góp đáng kể vào việc xây dựng quốc gia bằng cách hỗ trợ cuộc sống thông qua những sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi, con người của chúng tôi, thúc đẩy công bằng và hòa nhập và tạo ra tác động tích cực đến xã hội thông qua các chương trình đầu tư xã hội của mình. Chúng tôi cũng đã xây dựng một trong những thương hiệu được yêu thích và dễ nhận biết nhất ở Nam Phi."

Shell khẳng định trong quá trình thoái vốn, tập đoàn này sẽ nỗ lực duy trì khả năng hoạt động của Shell Downstream Nam Phi, duy trì sự hiện diện của thương hiệu Shell và đảm bảo kết quả tốt nhất có thể cho người dân và khách hàng ở Nam Phi dưới quyền sở hữu mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục