Tập đoàn Intel: Khởi nguồn của những công nghệ tiên tiến

Mới đây, Intel đã “bắt tay” với Google Cloud của Alphabet Inc để phát triển loại chip mới. Con chip này được gọi là Mount Evans và sẽ được bán cho cả những doanh nghiệp khác ngoài Google.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Nhân sự kiện Intel vừa tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt bộ vi xử lý Intel 4004 nổi tiếng, một phát minh đã đưa Intel gia nhập đội ngũ những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, hãy cùng tìm hiểu về chặng đường phát triển của “đế chế" này.

Sự ra đời của Intel

Intel được hai kỹ sư Robert Noyce và Gordon Moore thành lập vào năm 1968. Ban đầu, Noyce là tổng giám đốc và Moore là giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển của công ty sản xuất linh kiện bán dẫn Fairchild Semiconductor.

Tuy nhiên, do bất đồng với ban lãnh đạo tập đoàn nên cả hai đã quyết định rời khỏi Fairchild Semiconductor để ra thành lập công ty riêng.

Trước khi đóng góp vào việc thành lập Fairchild Semiconductor, Noyce và Moore đã cùng thành lập công ty bán dẫn Shockley Semiconductor. Do đó, hai ông rất tự tin rằng có thể tiếp tục tạo dựng một công ty khác. Mỗi người đóng góp 250.000 USD và kêu gọi đầu tư thêm 2,5 triệu USD để thành lập nên công ty mang tên NM Electronics.

Lúc đầu hai ông định đặt tên cho công ty của mình là “Moore Noyce” (ghép tên của hai ông). Tuy nhiên, cái tên này phát âm giống như “more noise” (ồn ào hơn). Đối với một công ty điện tử thì tên này quả thật không ổn nên hai ông quyết định lấy những vần đầu của hai từ INTegrated ELectronics (điện tử tích hợp) trở thành từ Intel.

Tuy nhiên cái tên này đã có chủ, đó là tên của một tập đoàn khách sạn, do đó, hai ông phải mua lại bản quyền cái tên này vào cuối năm 1968. Kể từ đó cái tên Intel bắt đầu xuất hiện.

Dấu mốc vàng son

Thay vì sản xuất các bóng bán dẫn để cạnh tranh với công ty cũ, Intel nghiên cứu chế tạo các chip điện tử dùng cho máy tính. Ngày 15/11/1971, Intel đã cho ra mắt bộ vi xử lý 4004 nổi tiếng. Việc ra đời bộ xử lý này đã đặt một dấu mốc quan trọng cho kỷ nguyên máy tính hiện đại.

Một số ý tưởng cốt lõi từ bộ xử lý này cho đến nay vẫn còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của thế giới công nghệ, chẳng hạn như dữ liệu đám mây cho đến điện toán biên.

Có người từng nói rằng không có con chip này, có thể chúng ta vẫn đang chơi thẻ bài hoặc dùng bồ câu đưa thư, thay vì các máy chơi game đồ họa cao cấp cầm tay và thư điện tử (email).

Ông Pat Gelsinger, Tổng giám đốc điều hành của Intel chia sẻ: “Năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày con chip 4004 ra mắt. Hãy cùng nhìn lại những thành tựu mà chúng ta đã gây dựng trong vòng nửa thế kỷ qua. Khoảnh khắc này thật sự rất quý giá đối với giới công nghệ, và đây chính là lý do tại sao điện toán trở nên phát triển như hiện nay.”

Ngược dòng thời gian về năm 1969, hãng Nippon Calculating Machine Corporation đã tiếp cận Intel để thiết kế một bộ vi xử lý cho máy tính in Busicom 141-PF, một mẫu máy tính cầm tay tích hợp máy in hóa đơn. Kỹ sư Fredrico Faggin của Intel và đội ngũ của ông đã điều chỉnh các kế hoạch ban đầu cho 12 chip tùy chỉnh và thiết kế một bộ bốn chip, bao gồm cả CPU 4004, để đáp ứng thách thức này.

Cuối cùng, 4004, với kích thước nhỏ như ngón tay, đã ra đời để cung cấp hiệu năng điện toán ngang bằng với công suất của một chiếc máy tính có kích cỡ bằng cả căn phòng, được chế tạo lần đầu vào năm 1946.

[Intel đầu tư 20 tỷ USD xây dựng hai nhà máy sản xuất chip tại Arizona]

Stan Mazor, nhà đồng thiết kế chip 4004, từng nhận xét: “Con chip 4004 quá cách mạng đến nỗi Intel phải mất đến 5 năm mới có thể huấn luyện cho các kỹ sư về cách xây dựng các sản phẩm mới dựa trên các bộ vi xử lý đó. Cuối cùng Intel đã rất thành công trên hành trình này.”

Intel 4004 là bộ vi xử lý tiên phong, và chính thành công của sản phẩm này đã chứng minh rằng việc tạo ra các mạch tích hợp phức tạp và lắp chúng trên một con chip có kích thước nhỏ cỡ ngón tay là hoàn toàn có thể.

Nhập mô tả cho ảnh

Không ngừng vươn xa

Bộ vi xử lý của Intel ngày càng nhỏ gọn hơn, có tốc độ nhanh hơn và rẻ hơn trong nhiều thập niên qua và thống lĩnh thị trường thế giới.

Mới đây, Intel đã “bắt tay” với Google Cloud của Alphabet Inc để phát triển loại chip mới. Con chip này được gọi là Mount Evans và sẽ được bán cho cả những doanh nghiệp khác ngoài Google. Intel hy vọng con chip này sẽ trở thành một sản phẩm chủ lực trên thị trường điện toán đám mây đang bùng nổ.

Chip Mount Evans, được Google và Intel gọi là "đơn vị xử lý cơ sở hạ tầng" (IPU), tách các tác vụ như thiết lập máy ảo và đưa dữ liệu khách hàng đến đúng vị trí ra khỏi những tác vụ điện toán chính và giúp tăng tốc độ xử lý.

Việc này cũng giúp đảm bảo an toàn cho các chức năng trước sự tấn công của tin tặc, cũng như tăng thêm tính linh hoạt cho trung tâm dữ liệu.

Ông Amin Vahdat, Phó Chủ tịch phụ trách mảng kỹ thuật của Google, cho biết công ty hy vọng sẽ thúc đẩy một xu hướng công nghệ mới. Mục tiêu là giúp tất cả các nhà khai thác trung tâm dữ liệu linh hoạt hơn trong cách chia nhỏ các máy chủ vật lý thành các máy chủ ảo để phù hợp với bất kỳ loại tác vụ điện toán nào.

Intel không phải là công ty duy nhất sản xuất chip cơ sở hạ tầng. Nvidia Corp và Marvell Technology Inc cũng có các dịch vụ khá tương tự.

Tuy nhiên, Intel và Google đang cùng nhau phát triển một bộ công cụ phần mềm miễn phí với hy vọng đưa chip của Intel trở thành một tiêu chuẩn công nghiệp rộng rãi hơn, được sử dụng cả ở bên ngoài các trung tâm dữ liệu của Google./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục