Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline xúc tiến 2 thương vụ gây tranh cãi

GlaxoSmithKline đang xúc tiến hợp đồng mua Tesaro của Mỹ trị giá hơn 5 tỷ USD trong khi Unilever đồng ý mua lại hạng mục sản xuất đồ uống với hợp đồng trị giá trên 3 tỷ USD.
Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline xúc tiến 2 thương vụ gây tranh cãi ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Ngày 3/12, tập đoàn dược phẩm hàng đầu của Anh GlaxoSmithKline (GSK) công bố hai hợp đồng "khủng" trị giá nhiều tỷ USD, gồm một hợp đồng bán hạng mục sản xuất đồ uống có lợi cho sức khỏe ở khu vực châu Á cho tập đoàn thực phẩm Unilever và một hợp đồng mua công ty chuyên nghiên cứu thuốc điều trị ung thư của Mỹ Tesaro.

Cụ thể, GSK đang xúc tiến hợp đồng mua Tesaro của Mỹ trị giá hơn 5 tỷ USD trong khi Unilever đồng ý mua lại hạng mục sản xuất đồ uống với hợp đồng trị giá trên 3 tỷ USD.

Trong thông báo mới, Giám đốc điều hành GSK Emma Walmsley cho biết việc mua Tesaro sẽ giúp tập đoàn này củng cố mảng kinh doanh dược phẩm đồng thời giúp hãng tiếp cận những năng lực khoa học mới.

[Anh: Hãng GSK được phép sản xuất vắcxin phòng bệnh zona thần kinh]

Giám đốc điều hành Tesaro Lonnie Moulder cho rằng thỏa thuận này mở ra thời kỳ hợp tác toàn cầu mới, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển các dược phẩm điều trị ung thư, mở ra cơ hội cho các bệnh nhân ung thư được chữa trị bằng các sản phẩm mang tính đột phá.

Tuy nhiên, những khẳng định này có vẻ không đủ để xoa dịu các nhà đầu tư khi GSK dành tới 60% tiền lãi cho hợp đồng mua Tesaro. Kết quả là mã chứng khoán của GSK lập tức giảm sâu 8% và chốt phiên giao dịch ngày 3/12 ở mức 14,98 bảng Anh trên thị trường chứng khoán London.

Trong khi đó, việc Unilever mua lại hạng mục sản xuất đồ uống có lợi cho sức khỏe của GSK lại không tác động gì tới giá trị cổ phiếu của tập đoàn thực phẩm này.

Hạng mục đồ uống thân thiện với sức khỏe của GSK với các nhãn hàng rất được ưa chuộng như Horlicks hay Boost được Unilever đánh giá là không có đối thủ tại Ấn Độ, Bangladesh và 20 thị trường tiềm năng khác ở châu Á trong bối cảnh các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe đang ngày càng thịnh hành tại các thị trường mới nổi này.

Các sản phẩm gắn nhãn Horlicks đã xâm nhập thị trường Ấn Độ nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung từ những năm 30 của thế kỷ trước và rất được ưa chuộng qua nhiều thế hệ. Ấn Độ hiện là chiếm tới 90% doanh thu của GSK tại châu Á và trong 15 năm qua, doanh thu các sản phẩm đồ uống tốt cho sức khỏe của hãng này luôn tăng hai con số./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục