Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVN đang tiếp tục đẩy mạnh quá trình sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp theo Quyết định số 852/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/6 mới đây phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017-2020.
Theo EVN, sau khi xin ý kiến các bộ, ngành và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN đã tiếp thu, giải trình ý kiến các bộ, ngành, đồng thời rà soát theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 168/QĐ-TTg ngày 07/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.
Thực hiện các chỉ đạo về đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn đã yêu cầu 9 Tổng công ty trực thuộc xây dựng đề án sắp xếp, tái cơ cấu các Tổng công ty giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở nội dung Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2016-2020 đã trình Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở Quyết định 852 của Thủ tướng Chính phủ, EVN sẽ phê duyệt Đề án sắp xếp, tái cơ cấu các Tổng công ty để triển khai thực hiện.
[Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN]
Tổng Giám đốc EVN Đặng Hoàng An cho biết hiện tập đoàn đã hoàn thiện Đề án tổ chức, sắp xếp lại 3 Trường cao đẳng thuộc EVN trình Bộ Công Thương thông qua để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ Công Thương đã phê duyệt Đề án tổ chức, sắp xếp lại các Trường cao đẳng thuộc EVN và EVN đã có các Quyết định chuyển giao 3 trường về 3 Tổng công ty điện lực miền từ ngày 1/1/2017.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 10/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 về Quy chế quản lý tài chính của EVN và sẽ ban hành Nghị định về Điều lệ EVN trong thời gian tới.
EVN đã chủ động rà soát toàn bộ hệ thống quy chế quản lý nội bộ của Tập đoàn theo các nội dung trong dự thảo Điều lệ và Quy chế quản lý tài chính đã trình Chính phủ. Như vậy, sau khi được Chính phủ phê duyệt, EVN sẽ phê duyệt các quy chế quản lý nội bộ phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn.
Cũng mới đây, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 707/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020," Hội đồng thành viên EVN đã ban hành Nghị quyết số 175/NQ-HĐTV về việc triển khai thực hiện Quyết định này trong toàn tập đoàn.
Cũng theo EVN, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang xem xét, phê duyệt danh mục các doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn giai đoạn 2017-2020. Các doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn sẽ được EVN thực hiện ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt chính thức.
Đối với việc thoái vốn tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance), EVN đã nghiên cứu phương án thoái toàn bộ vốn tại công ty này. Ngày 26/5 vừa qua, Bộ Công Thương có văn bản số 4680/BCT-BĐMDN gửi EVN về việc giá khởi điểm bán đấu giá EVN Finance. Căn cứ ý kiến của Bộ Công Thương, ngày 9/6/2017, EVN đã phê duyệt giá khởi điểm và phương án thoái vốn của EVN tại EVN Finance.
EVN đang tiếp tục triển khai thủ tục xin giấy phép tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đồng thời chuẩn bị đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và các bước thoái vốn theo quy định. Dự kiến, việc hoàn thành thoái vốn sẽ được tiến hành trong các tháng cuối năm 2017.
Theo Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 852, EVN sẽ tiếp tục nắm giữ các đơn vị: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, 5 Tổng công ty Điện lực, các Công ty thủy điện hạch toán phụ thuộc tập đoàn, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Công ty Mua bán điện, Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (đổi tên từ Trung tâm Viễn thông và Công nghệ thông tin).
Đây là các đơn vị chủ lực trong việc đảm bảo điện cho kinh tế-xã hội của đất nước, vừa đảm bảo hiệu ích tổng hợp và tham gia vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, mô hình tổ chức cơ bản đáp ứng điều kiện hình thành thị trường bán buôn điện.
Bên cạnh đó, EVN sẽ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trong nội bộ các đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị trong giai đoạn tới.
Cụ thể, EVN tiếp tục thực hiện cổ phần hóa các Tổng công ty phát điện theo kế hoạch đã được phê duyệt, trong đó, chuẩn bị các thủ tục cho việc IPO GENCO3 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cổ phần hóa và dự kiến chuyển thành Công ty cổ phần trong năm 2017 đồng thời, tiếp tục thực hiện các bước cổ phần hóa GENCO 1 và 2 theo quy định, dự kiến hoàn thành trong năm 2018.
Về việc sắp xếp, thoái vốn EVN tại các công ty cổ phần, tập đoàn tiếp tục thoái toàn bộ vốn tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính (1 đơn vị), cơ khí (2 đơn vị), phát điện (2 đơn vị; trong đó Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3 sẽ thoái vốn sau khi hoàn thành dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3) kèm theo lộ trình thực hiện cụ thể.
[EVN không được huy động vốn để đầu tư chứng khoán, bất động sản]
Đối với các đơn vị tư vấn, EVN chỉ giữ lại 2 đơn vị là Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 2 và thoái toàn bộ vốn tại 2 đơn vị: Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 3 và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 4.
Đồng thời, EVN sẽ chỉ đạo các Tổng công ty xây dựng kế hoạch thoái vốn và danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 phù hợp với tiêu chí tại Quyết định số 58/QĐ-TTg.
Cùng với việc tách bạch hạch toán và bộ máy tổ chức giữa công tác vận hành hệ thống điện và dịch vụ, kinh doanh để nâng cao hiệu quả và đánh giá đúng công tác sản xuất kinh doanh của tập đoàn, EVN còn tiếp tục nắm giữ và sắp xếp, tổ chức lại các Ban Quản lý dự án theo hướng hình thành các Ban Quản lý dự án chuyên nghiệp trong EVN theo lộ trình./.