Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam 48 năm phát triển cùng đất nước

Sau 48 năm kể từ khi thành lập, Petrovietnam đã trở thành một tập đoàn kinh tế lớn mạnh có tổng tài sản hợp nhất gần 43 tỷ USD, nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất 22,5 tỷ USD.
Các kỹ sư, người lao động trên cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh xếp hình chào mừng ngày thành lập Petrovietnam (3/9).

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) được thành lập với sứ mệnh góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và là trụ đỡ kinh tế trong xây dựng và phát triển đất nước.

Sau 48 năm xây dựng và trưởng thành (3/9/1975 - 3/9/2023), Petrovietnam đã có những bước phát triển vượt bậc và toàn diện cả về quy mô và chiều sâu, hoàn chỉnh đồng bộ từ khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, đến công nghiệp khí, lọc hóa dầu, điện và năng lượng tái tạo, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.

Hiện thực hóa mong ước về một ngành Dầu khí vững mạnh

Năm 1975 là một năm đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Đó là năm đất nước hoàn toàn thống nhất sau cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mở ra một giai đoạn lịch sử mới của dân tộc Việt Nam.

Năm 1975 cũng là năm trọng đại trong lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam, khi Đảng, Chính phủ quyết tâm hiện thực hóa mong ước của Bác Hồ với cuộc trường chinh đi tìm lửa trong lòng đất mà cả dân tộc trông đợi để phát triển kinh tế đất nước. Ngay sau khi thống nhất đất nước, ngày 3/9/1975, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) được thành lập trực thuộc Hội đồng Chính phủ theo Quyết định số 170/CP của Hội đồng Chính phủ.

[Xây dựng PetroVietnam thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia]

Qua gần nửa thế kỷ, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã đi từ “không” đến “có,” làm chủ được công nghệ, khoa học tiên tiến nhất, xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ.

Năm 1986, năm mở đầu cho một thời kỳ lịch sử của đất nước cũng là năm ngành Dầu khí đánh dấu mốc son cho sự đổi thay khi mỏ dầu Bạch Hổ tại thềm lục địa Việt Nam đã cho ra đời những tấn dầu thô thương mại đầu tiên. Sự kiện này không chỉ có giá trị ghi danh Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí thế giới mà quan trọng hơn, sự kiện này được xem như một “trụ đỡ” về tinh thần và cả vật chất đối với đất nước trong giai đoạn Việt Nam đang lâm vào hoàn cảnh bị bao vây cấm vận, khủng hoảng kinh tế-xã hội.

Đồng hành đất nước trong công cuộc đổi mới, ngành dầu khí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ, đóng góp cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Qua đó góp phần đưa nước ta ra khỏi tình trạng khủng hoảng và kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở thềm lục địa cũng đã góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Vượt khó khăn, đồng hành phát triển cùng đất nước

Tính từ năm 1986 đến hết năm 2022, tổng doanh thu của Petrovietnam đạt trên 400 tỉ USD. Trong giai đoạn 2006-2015, Petrovietnam đóng góp trung bình 20-25% tổng thu ngân sách Nhà nước, 18-25% GDP cả nước. Từ năm 2015 đến nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường và mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Petrovietnam vẫn đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước (trong đó từ dầu thô là 5-6%), 10-13% GDP cả nước.

Người lao động trên giàn khoan dầu khí. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong dòng chảy của lịch sự, sẽ không thể tránh khỏi được những thăng trầm và Petrovietnam cũng không phải ngoại lệ. Từ năm 2019 đến nay là thời kỳ Petrovietnam phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử phát triển của ngành Dầu khí. Công nghiệp dầu khí thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng khiến giá dầu giảm xuống mức thấp kéo dài, cá biệt có thời điểm giá dầu xuống mức âm (-37 USD/thùng) vào cuối năm 2019. Đại dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến mọi mặt hoạt động của Petrovietnam…

Mặc dù vậy, với tinh thần cầu thị, bản lĩnh kiên cường, đoàn kết và ý chí vượt qua khó khăn, cán bộ công nhân viên, người lao động dầu khí đã luôn nỗ lực không ngừng, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Năm 2020, Petrovietnam vững vàng vượt qua “khủng hoảng kép” do dịch bệnh và giá dầu giảm sâu. Năm 2021 phục hồi tăng trưởng. Nhờ áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp sản xuất kinh doanh và quản trị rủi ro, năm 2022, Petrovietnam đã đạt kỷ lục khi cán mốc doanh thu hơn 930.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 170,6 nghìn tỷ đồng, bằng 9,6% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Năm 2022 cũng là năm thứ ba công tác “Quản trị biến động” của Petrovietnam đạt được thành tích ấn tượng. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định toàn diện đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Petrovietnam đã triển khai thành công các giải pháp ứng phó trước các biến động địa kinh tế-chính trị và đã đạt nhiều kỷ lục quan trọng.

Trước các biến động kinh tế thế giới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn xác định công tác quản trị biến động là yếu tố quan trọng, quyết định đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doan. Cụ thể, năm 2021 là “Quản trị biến động, tối đa giá trị, mở rộng thị trường, tận dụng cơ hội, liên kết đầu tư, phục hồi tăng trưởng”; Năm 2022 là “Quản trị biến động, đón đầu xu hướng, kết nối nguồn lực, phát huy công nghệ, thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững”; Năm 2023 là “Quản trị biến động, Mở rộng quy mô, Tăng tốc chuyển đổi số, Dịch chuyển mô hình, Nâng cao năng suất, Tái tạo kinh doanh."

Tại Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần khẳng định, Petrovietnam có đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Vai trò quan trọng ấy thể hiện qua qua các dự án nhiệt điện trọng điểm mà Petrovietnam mới đưa vào vận hành như Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Đảm bảo 1 trong 5 cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành những nước đứng đầu ASEAN trong cung cấp nguồn điện, phục vụ đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng.

Đồng hành cùng đất nước trong mục tiêu tăng trưởng, trong lĩnh vực sản xuất điện, tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện của Petrovietnam chiếm hơn 7% tổng công suất lắp đặt và chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện phát trong toàn hệ thống điện quốc gia. Kết quả đó khẳng định vững chắc vai trò và vị thế của Petrovietnam với tư cách là nhà sản xuất điện lớn thứ hai tại Việt Nam.

Các kỹ sư kiểm tra thiết bị tại nhà máy lọc dầu Dung Quất - nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong bối cảnh giá xăng dầu lên cao, nguồn cung xăng dầu trên thế giới khan hiếm, thì việc xây dựng và quản trị chuỗi liên kết trong ngành Dầu khí càng có ý nghĩa trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Nhà máy lọc dầu Dung Quất dưới sự phối hợp hỗ trợ của các đơn vị từ khâu đầu đến khâu cuối thuộc Petrovietnam luôn đảm bảo được cung cấp đủ dầu thô để vận hành liên tục, an toàn và hiệu quả ở mức 100-110% công suất, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu trong nước.

Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, ban lãnh đạo Petrovietnam đã sớm đề ra định hướng phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo trong chiến lược phát triển dài hạn. Petrovietnam đã và đang từng bước chuẩn bị nguồn lực, xác định mô hình đầu tư, sẵn sàng tạo đà cho việc mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo một cách phù hợp, hiệu quả, trên cơ sở tận dụng thế mạnh của Petrovietnam và các đơn vị thành viên, kết hợp với chiến lược phát triển ngành Dầu khí.

Nỗ lực phát triển trở thành Tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia

Sau 48 năm kể từ khi thành lập, Petrovietnam đã trở thành một tập đoàn kinh tế lớn mạnh có tổng tài sản hợp nhất gần 43 tỷ USD, nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất 22,5 tỷ USD, giai đoạn 2016-2022 tổng tài sản tăng 3,9%, với đội ngũ hơn 50.000 cán bộ công nhân viên đang lao động sáng tạo trên các lĩnh vực của chuỗi giá trị dầu khí; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực; đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách và phát triển kinh tế-xã hội; đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Lãnh đạo Petrovietnam luôn tâm niệm, trong giai đoạn mới, cách tri ân tốt nhất với lớp người đi trước chính là phải kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dầu khí, không ngừng bồi đắp, gìn giữ giá trị cốt lõi “Khát vọng-Trí tuệ-Chuyên nghiệp-Nghĩa tình,” để “ngọn lửa” nhiệt huyết luôn rực cháy trong trái tim mỗi người lao động dầu khí, cống hiến hết mình, làm tròn trách nhiệm phát triển chuỗi giá trị năng lượng làm giàu cho Tổ quốc.

Nói về mục tiêu phát triển trong tương lai của Petrovietnam, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Petrovietnam cho biết vượt qua mọi khó khăn, Petrovietnam thực hiện thành công các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, xác định được mục tiêu và giá trị cốt lõi để xây dựng, phát triển Petrovietnam trong tương lai. Đó là xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thành Tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực; có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Với những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, ngân sách quốc gia, góp phần bảo đảm nguồn cung năng lượng phục vụ cho đất nước, tích cực tham gia ổn định thị trường điện, khí, xăng dầu, phân bón… ngay cả trong những thời kỳ khó khăn nhất, tin rằng với bản lĩnh của “những người đi tìm lửa,” người lao động dầu khí sẽ tiếp tục vững vàng trong giai đoạn mới, thực hiện sứ mệnh góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh lương thực cho đất nước, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo, luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục