Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) diễn ra ngày 16/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cần xác định rõ các ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm chính để tập trung phát triển; từ đó tái cơ cấu lại mô hình tổ chức, đầu tư, sản xuất, đổi mới quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Sản xuất, kinh doanh đạt kế hoạch đề ra
Báo cáo tổng kết của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cho thấy, năm 2017, ngành than bị tác động bởi điều kiện thời tiết mưa, lũ bất thường, thủy điện được huy động tối đa công suất, giảm nhiệt điện than, dẫn đến sản lượng tiêu thụ than cho điện giảm 4 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm.
Cùng với đó, việc giá tính thuế tài nguyên được điều chỉnh tăng so giá bán ra trên thị trường; điều kiện khai thác ngày càng phải xuống sâu và đi xa hơn; nhu cầu sử dụng than sản xuất trong nước giảm cũng là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.
Tuy nhiên, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã chủ động điều chỉnh sản xuất kinh doanh cho phù hợp với tình hình thị trường.
Các chỉ tiêu cơ bản đã đạt kế hoạch đề ra. Sản xuất than nguyên khai đạt 35 triệu tấn (đạt 100,4% so với kế hoạch điều chỉnh); than thương phẩm sản xuất đạt 32,25 triệu tấn; than tiêu thụ đạt 35,6 triệu tấn (riêng than bán cho hộ điện đạt 23,6 triệu tấn, giảm 2,5 triệu tấn so với thực hiện năm 2016), xuất khẩu đạt 1,5 triệu tấn, bằng 100% kế hoạch; nhập khẩu 97.000 tấn.
[Tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam]
Sản phẩm alumin (quy đổi) đạt 1,14 triệu tấn, đạt 116,7% kế hoạch năm, bằng 190% so cùng kỳ (trong đó, Nhà máy alumin Nhân Cơ năm đầu tiên đi vào sản xuất đạt sản lượng cao 501.000 tấn), tiêu thụ alumin đạt 1,10 triệu tấn, đạt 112,5% kế hoạch năm, bằng 169% so cùng kỳ. Các sản phẩm khoáng sản khác như đồng tấm, kẽm thỏi, quặng sắt, thiếc…; vật liệu nổ công nghiệp cũng đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Năm 2017, sản lượng điện do Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam sản xuất đạt 9,38 tỷ kWh, bằng 100,4% kế hoạch năm và bằng 110,4% thực hiện năm 2016.
Công tác tái cơ cấu doanh nghiệp được triển khai quyết liệt và có hiệu quả rõ rệt. Lũy kế từ năm 1998 đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã cổ phần hóa 61 doanh nghiệp trong toàn Tập đoàn. Bình quân gia quyền tỷ lệ phần vốn Nhà nước tại 61 doanh nghiệp là 45,3%, riêng các lĩnh vực ngành nghề chính Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam vẫn nắm giữ cổ phần chi phối.
Tái cơ cấu toàn diện
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, người lao động của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản trong việc đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế mà Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cần tập trung khắc phục có hiệu quả trong năm 2018 và trong thời gian tới như giảm thiểu tai nạn lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, quản lý chặt chẽ quá trình đầu tư, bảo vệ môi trường...
Theo Phó Thủ tướng, năm 2018 và các năm tới, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam phải tập trung để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm xây dựng Tập đoàn có trình độ công nghệ, mô hình quản trị theo hướng hiện đại và chuyên môn hóa cao; cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, hợp lý.
Cùng với đó, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh; hoạt động hiệu quả, bền vững; giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu than sản xuất trong nước cho các ngành kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp, vừa đảm bảo lợi ích của Chủ sở hữu, vừa đảm bảo lợi ích của người lao động và cộng đồng nhằm phát triển bền vững.
Để thực hiện tốt các yêu cầu trên, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cần tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam giai đoạn 2017-2020 tại quyết định số 2006/QĐ-TTg ngày 12/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn cần tập trung xác định rõ các ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm chính để tập trung phát triển; từ đó tái cơ cấu lại công ty mẹ, các công ty con, trọng tâm là cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên. Trên cơ sở đó, tập trung tái cấu trúc đầu tư, ưu tiên nguồn lực để phát triển sản xuất các sản phẩm có lợi thế, có sức cạnh tranh trên cơ sở đầu tư vốn, khoa học công nghệ, đổi mới quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Cùng với đó, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam phải tăng cường kiểm soát quá trình đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng; Đẩy mạnh tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp để giảm chi phí nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Tập đoàn chủ động kiến nghị để hoàn thiện cơ chế quản lý, có các giải pháp sớm kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý điều hành; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý kinh doanh, quản lý tài chính, quản lý đầu tư, quản lý chi phí, quản lý tài nguyên; nâng cao hiệu quả quản lý lao động gắn với việc bố trí lao động phù hợp và gắn với tăng thu nhập của người lao động; chú trọng đào tạo, đào tạo lại để phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong tất cả các khâu, quy trình sản xuất; có giải pháp xử lý dứt điểm các đơn vị, các dự án đầu tư kém hiệu quả.
Về sản xuất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam sớm đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018, đặc biệt là đáp ứng đủ than theo cam kết của các hộ sản xuất (đặc biệt là các nhà máy điện), góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn ưu tiên nguồn lực, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án đình trệ, chậm tiến độ. Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cần chủ động huy động nguồn lực, đầu tư đổi mới công nghệ để chế biến, chế biến sâu các loại khoáng sản như titan, đất hiếm, quặng sắt, cùng với đó xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm huy động nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai các dự án được giao.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo an toàn trong quá trình đầu tư, khai thác, chế biến than-khoáng sản; thực hiện các giải pháp đồng bộ đảm bảo an toàn lao động trong tất cả các khâu, công đoạn sản xuất.
Đẩy mạnh bảo vệ môi trường
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cần chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh khoáng sản, gắn bảo vệ môi trường với cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác.
“Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam phải đóng vai trò gương mẫu, dẫn dắt tất cả các doanh nghiệp khai khoáng về việc bảo vệ môi trường; coi bảo vệ môi trường là yêu cầu hàng đầu trong sản xuất; gắn bảo vệ với cải tạo, phục hồi môi trường, trồng cây phủ xanh các khu vực bãi thải đã kết thúc, nghiên cứu kết hợp trồng cây phủ xanh cải tạo phục hồi môi trường với lấy gỗ chống lò và phát triển kinh tế rừng”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Về trật tự, kỷ cương trong quản lý, khai thác, kinh doanh than, khoáng sản, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cần tăng cường hợp tác, phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan tại địa phương có dự án để triển khai tốt việc quản lý ranh giới mỏ, quản lý khai thác, vận chuyển và kinh doanh than, khoáng sản… Đồng thời thực hiện tốt các chương trình, chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu, đảm bảo sự phát triển hài hòa trên địa bàn.
Phó Thủ tướng đề nghị ủy ban nhân dân tỉnh, đặc biệt là Quảng Ninh, Gia Lai, Lâm Đồng…(và ủy ban nhân dân các tỉnh có dự án khai thác than-khoáng sản) phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, một mặt quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho khu vực khai thác mỏ, đồng thời giám sát đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường./.