Tập đoàn Công nghiệp Cao su chỉ bán được 1/4 khối lượng cổ phần IPO

Kết thúc phiên đấu giá, có 498 nhà đầu tư đặt mua thành công với khối lượng 110,76 triệu cổ phần, chiếm khoảng 1/4 số lượng cổ phiếu chào bán, thu về 1.311 tỷ đồng.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su chỉ bán được 1/4 khối lượng cổ phần IPO ảnh 1Lãnh đạo VRG đánh chiêng khai trương Phiên đấu giá. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ngày 2/2, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã tổ chức phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), với số lượng là 475,1 triệu cổ phần, tương đương 11,88% vốn điều lệ của VRG. Mức giá khởi điểm là 13.000 đồng/cổ phần.

Kết thúc phiên đấu giá, có 498 nhà đầu tư đặt mua thành công với khối lượng 110,76 triệu cổ phần, chiếm khoảng 1/4 số lượng cổ phiếu chào bán. Giá đặt mua cao nhất là 20.800 đồng/cổ phần và giá thấp nhất tại mức khởi điểm 13.000 đồng/cổ phần. Giá đấu thành công bình quân đạt 13.011 đồng/cổ phần; trong đó, khối lượng nhà đầu tư nước ngoài mua được là 27,16 triệu cổ phần. Số tiền mà nhà nước thu về trong đợt đấu giá lần này là 1.311 tỷ đồng.

VRG đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình cổ phần hóa, hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch hơn; đồng thời, với cơ chế hoạt động linh hoạt hơn, VRG sẽ nhận được sự góp sức của các cổ đông để triển khai các chiến lược phát triển bền vững.

[Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam sẽ bán hơn 475 triệu cổ phiếu]

Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc VRG, cho biết ngay sau phiên bán đấu giá công khai lần đầu ra công chúng, VRG sẽ triển khai lựa chọn nhà đầu tư chiến lược bắt đầu từ ngày 19/1 - 29/3/2018. Song song đó, cuối tháng 3/2018 sẽ thực hiện tổ chức Đại hội đồng cổ đông. Mặt khác, phương án cổ phần hóa VRG đã được phê duyệt, đòi hỏi phải cơ cấu sau cổ phần hóa với tỷ lệ sở hữu Nhà nước vẫn đảm bảo chiếm tỷ lệ chi phối.

VRG dự kiến sẽ chuyển đổi mô hình công ty sang công ty cổ phần và đăng ký giao dịch trên UPCoM vào 1/4/2018. Sau đó, chuyển sàn niêm yết trên HOSE vào khoảng tháng 6 hoặc 7/2018.

Hiện tại, VRG đang hoạt động theo mô hình Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, với số vốn Nhà nước sau khi định giá lại để cổ phần hóa là khoảng 38.820 tỷ đồng.

VRG có 123 doanh nghiệp thành viên, trong đó ngành trồng và khai thác cao su thiên nhiên vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong quy mô của Tập đoàn. Tiếp theo có thể kể đến là các ngành như chế biến gỗ; gia tăng sản phẩm cao su tinh tế, sản phẩm công nghiệp cao su; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Tập đoàn Công nghiệp Cao su chỉ bán được 1/4 khối lượng cổ phần IPO ảnh 2Chuyên viên HOSE thực hiện quy trình kiểm tra phiếu tham gia Phiên đấu giá. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Theo ông Cao Sỹ Lực, Chủ tịch Hội đồng thành viên VRG, sau 5 năm khó khăn, ngành cao su bắt đầu khởi sắc từ năm 2016 và trong năm 2017 giá cao su đã tăng bình quân hơn 30% so với năm 2016. Riêng VRG đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu như sản lượng cao su khai thác đạt 109% kế hoạch của năm; sản lượng gỗ (103%)... Tổng tài sản VRG đạt 73.000 tỷ đồng; doanh thu hợp nhất khoảng 19.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 3.600 tỷ đồng.

Đánh giá về tiềm năng phát triển của VRG, ông Cao Sỹ Lực, cho hay hiện tại VRG quản lý 13 khu công nghiệp, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Song song đó, VRG có lợi thế về nguồn quỹ đất, với đất nông nghiệp chiếm hơn 96%, trong đó quỹ đất phân bố ở nước ngoài chiếm khoảng 27,8% và còn lại là phân bố ở các tỉnh, thành trong nước. Đặc biệt, triển khai và hoàn tất lộ trình cổ phần hóa, VRG có điều kiện thuận lợi để xây dựng thương hiệu và triển khai chiến lược đầu kinh doanh hiệu quả để mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động và nhà đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục