Tập đoàn bất động sản Evergrande có thể tiếp tục đưa ra kế hoạch tái cơ cấu nợ

China Evergrande Group sẽ có thời hạn đến phiên tòa ngày 4/12 tại Hong Kong (Trung Quốc) để trình bày một đề xuất tái cơ cấu nợ “cụ thể” cho các chủ nợ nước ngoài.

Tòa nhà của Tập đoàn bất động sản Evergrande tại Thượng Hải (Trung Quốc). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tòa nhà của Tập đoàn bất động sản Evergrande tại Thượng Hải (Trung Quốc). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nguồn thạo tin cho hay China Evergrande Group, tập đoàn phát triển bất động sản nợ nhiều nhất thế giới, đang tìm cách tránh khả năng bị giải thể với một đề xuất tái cơ cấu nợ vào phút chót.

Tháng trước, một thẩm phán cho biết sau khi kế hoạch tái cơ cấu nợ đầu tiên hết hiệu lực, China Evergrande Group sẽ có thời hạn đến phiên tòa ngày 4/12 tại Hong Kong (Trung Quốc) để trình bày một đề xuất tái cơ cấu nợ “cụ thể” cho các chủ nợ nước ngoài.

Các nguồn tin cho hay trước khi Tòa án Tối cao Hong Kong đưa ra phán quyết đối với một kiến nghị giải thể Evergrande, trong tuần này, China Evergrande Group đã đề xuất chuyển đổi một số hàng mục trái phiếu mà các chủ nợ nước ngoài đang nắm giữ sang dạng vốn chủ sở hữu tại tập đoàn này và hai công ty trực thuộc đang niêm yết tại Hong Kong, và trả phần nợ còn lại bằng các chứng chỉ không thể giao dịch được đảm bảo bằng tài sản ở nước ngoài.

Các tài sản ở nước ngoài này bao gồm cổ phần đa số của China Evergrande Group tại các công ty khác. Còn các chứng chỉ sẽ được Evergrande mua lại khi đã giải quyết xong các tài sản trên.

Trong đề xuất mới, các chủ nợ còn nhận được 17,7% cổ phần tại Evergrande, bên cạnh đề xuất được đưa ra hồi tháng 10 là 30% cổ phần tại hai công ty trực thuộc tại Hong Kong là Evergrande Property Services Group và Evergrande New Energy Vehicle Group.

Nếu tòa án ở Hong Kong ra lệnh giải thể Evergrande, một đơn vị thanh lý tạm thời và sau đó là một đơn vị thanh lý chính thức sẽ được chỉ định để nắm quyền kiểm soát và thu xếp bán các tài sản của Evergrande để trả nợ, bao gồm không chỉ cổ phiếu của hai công ty trực thuộc ở Hong Kong, mà còn bán cả các tài sản của công ty này ở Trung Quốc đại lục. Theo các chuyên gia về tái cơ cấu nợ, điều này có thể gặp nhiều thách thức lớn.

Tháng trước, một luật sư đại diện cho một nhóm các trái chủ lớn ở nước ngoài đã nói với tòa án Hong Kong rằng kế hoach tái cơ cấu nợ có thể giúp các chủ nợ khắc phục thiệt hại được nhiều hơn so với việc giải thể. Theo người này, nếu Evergrande bị giải thể, các chủ nợ chỉ lấy lại được chưa đến 3% khoản đầu tư của họ.

Dù vậy, hai nguồn tin cho hay nhóm trái chủ trên vẫn chỉ định Công ty Tư vấn Alvarez & Marsal làm bên thanh lý cho mình, vì các chủ nợ dự đoán Evergrande có thể bị giải thể.

Top Shine, một nhà đầu tư vào công ty Fangchebao của Evergrande, đã nộp đơn đề nghị giải thể Evergrande vào tháng 6/2022 vì công ty này đã không tuân thủ thỏa thuận mua lại cổ phiếu mà Top Shine đã mua tại Fangchebao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục