"Trung Quốc đang tạo ra một tiền lệ nguy hiểm"

Tạp chí Italy: "Trung Quốc đang tạo ra 1 tiền lệ nguy hiểm"

Theo trang mạng của Limes, nếu hành động của chính phủ Trung Quốc không bị Việt Nam phản ứng dữ dội, điều đó sẽ tạo thành một tiền lệ xấu gây lo ngại.
Trung Quốc huy động rất nhiều tàu lớn với chiến thuật dàn hàng ngang để bảo vệ việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) trên vùng biển của Việt Nam. (Nguồn: Canhsatbien.vn)

Trong một bài viết được đăng tải hôm 14/5, trang mạng của Limes, tạp chí địa-chính trị có uy tín bậc nhất của Italy, đã đăng một bài dài với nhiều thông tin và đồ họa để giải thích cho các độc giả người Italy hiểu về tình hình căng thẳng đang diễn ra trên Biển Đông, với những hành động của Trung Quốc đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như phân tích những "lựa chọn" của Việt Nam.

Sau khi đăng một bản đồ lớn với những chỉ dẫn rõ ràng về các khu vực đang có tranh chấp trên Biển Đông cũng như các nơi đang có đối đầu với Nhật Bản và Hàn Quốc trước đó, tường thuật lại những diễn biến vừa qua và phản ứng của Việt Nam, tác giả Giorgio Cuscito khẳng định rằng "Trung Quốc đã thiết lập một dàn khoan ở gần quần đảo Hoàng Sa, trong khu vực đặc khu kinh tế của Việt Nam."

Hành động này xảy ra chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện chuyến viếng thăm tới nhiều nước châu Á, chuyến đi mà Limes đánh giá là "nằm trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc về kinh tế và quân sự ở vùng Viễn Đông của Mỹ."

Khẳng định rằng Bắc Kinh ngày càng leo thang trong những yêu sách và sử dụng chính sách ngoại giao đầy tính hăm dọa và việc Hội nghị ASEAN mới nhất ở Myanmar mới chỉ dừng lại ở việc kêu gọi các bên "có liên quan" giải quyết vấn đề bằng con đường hòa bình mà không hề nhắc đến Trung Quốc, Limes cho rằng Trung Quốc đang tạo ra một tiền lệ nguy hiểm bằng những hành động của mình.

Theo Limes, Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm các nguồn năng lượng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mạng tin này trích dẫn các nguồn nói rằng, trữ lượng dầu mỏ ở Biển Đông là khá lớn, từ 23 đến 30 tỉ mét khối dầu và 16 nghìn tỉ m3 khí đốt thiên nhiên. Ngoài ra, biển này nằm trên con đường giao thông hàng hải quốc tế dẫn thẳng đến Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, việc mở rộng càng nhiều càng tốt lãnh hải của họ đồng nghĩa với việc bảo vệ đường giao thông của họ. Lắp đặt dàn khoan gần với quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc cũng muốn thử mức độ chịu đựng của các quốc gia châu Á đối với những hành động của họ. Nếu như hành động của chính phủ Trung Quốc không bị Việt Nam phản ứng dữ dội, điều đó sẽ tạo thành một tiền lệ xấu gây lo ngại đối với nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng đang tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc đối với nhiều hòn đảo.

Limes nhận xét: "Tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã lập ra cái gọi là "Vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) trên khu vực biển Hoa Đông. ADIZ bao phủ một phần Nhật Bản và khu vực quần đảo Senkaku đang tranh chấp với Tokyo. Sau vài ngày, máy bay của Mỹ, Nhật và Hàn Quốc bay qua khu vực này mà không đếm xỉa đến thái độ của Trung Quốc và không gặp trục trặc gì. Nếu ADIZ vẫn có hiệu lực, thì việc tạo ra nó cho thấy những giới hạn trong các đòi hỏi của Trung Quốc trong quan hệ liên minh giữa Washington và Tokyo ở biển Hoa Đông."

Theo Limes, chiến lược của Bắc Kinh khá đơn giản: củng cố sự hiện diện ở một khu vực mà họ đã kiểm soát, như ở Hoàng Sa, sau đó mở rộng kiểm soát trên thực tế (de facto) ở những hòn đảo mà sức mạnh của họ yếu hơn, như ở Trường Sa, dù rằng biện pháp đó có lúc phản tác dụng.

Tuy nhiên, những đòi hỏi của Trung Quốc cũng đã gây ra căng thẳng trong các nước châu Á-Thái Bình Dương và góp phần củng cố sự hiện diện trong chiến lược "Xoay trục về Châu Á" của Washington, như hiệp định về quốc phòng mà Tổng thống Mỹ Barack Obama với Tổng thống Philippines Benigno Aquino mấy tuần trước. Philippines là một trong những quốc gia lo ngại nhất trước sự hung hăng trên biển của Trung Quốc.

Vậy, trong hoàn cảnh này, Việt Nam sẽ phải làm gì?

Theo Limes, Trung Quốc, ngoài sức mạnh quân sự vượt trội Việt Nam, còn là đối tác thương mại lớn nhất. Trong năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 50 tỷ USD và có khả năng vượt con số 60 tỷ USD vào năm 2015. Vì lý do đó, việc đối thoại có vai trò quan trọng đối với cả hai nước. Nếu như hai bên không tìm ra được một giải pháp song phương, Việt Nam có thể theo tấm gương của Philippines, nước mới đây đã kiện Trung Quốc lên Tòa án Liên hiệp quốc nhằm tìm kiếm một trọng tài quốc tế để giải quyết những tranh chấp với Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể tuyên bố không tham gia phiên tòa, như họ đã từng làm với Manila.

Limes nhận xét rằng trong trường hợp ấy, Hà Nội có thể có hai khả năng: hoặc chấp thuận đòi hỏi của Trung Quốc, hoặc cho thấy họ sẽ thể hiện sự mạnh mẽ hơn nữa. "Xét trên lịch sử của Việt Nam, không thể loại trừ khả năng thứ hai"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục