Tạp chí Diplomat mới đây đã có bài viết về sự hội nhập kinh tế không ngừng của Việt Nam kể từ thời điểm lần đầu tiên đóng vai trò nước chủ nhà của Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2006.
Theo bài viết, sự kết thúc của chiến tranh Đông Dương lần thứ 2 năm 1975 đã dẫn đến kết quả Việt Nam thống nhất đất nước và cũng là sự khởi đầu của một công cuộc tái thiết tương đối dài.
Trong quá trình tập trung phát triển kinh tế thông qua tự do hóa thương mại, Việt Nam đã gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1995, từ đó hưởng lợi từ thương mại và đầu tư gia tăng với các nước láng giềng ASEAN. Thành tựu lớn nhất của những nỗ lực phát triển kinh tế của Việt Nam là trở thành thành viên trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào đầu năm 2007.
Kể từ màn xuất hiện đầu tiên của Việt Nam trên "sân khấu kinh tế thế giới" tại APEC 2006, Việt Nam đã tiếp tục theo đuổi hội nhập kinh tế với các nước láng giềng liền kề và các đối tác thương mại ở xa hơn. Quan hệ được cải thiện đã thúc đẩy thương mại, đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam và các thành viên ASEAN đã mở rộng phạm vi của Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) thành một Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tiếp đó là đàm phán để củng cố các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand thành Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Việt Nam cũng đã hoàn tất các FTA song phương với Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Chile và Liên minh Kinh tế Á-Âu. Cuối cùng, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại khu vực, và đã khởi động đàm phán FTA (thông qua ASEAN) với Hong Kong (Trung Quốc), Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (Thụy Sĩ, Na Uy, Lichtenstein và Iceland) cũng như EU.
Thông qua việc hội nhập kinh tế gia tăng này, Việt Nam đã đa dạng hóa thành công các thị trường xuất khẩu của mình, trong đó Mỹ và EU là hai trường xuất khẩu lớn nhất. Sự hội nhập kinh tế gia tăng cũng đã đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2016 tăng gấp 3 lần so với năm 2006 lên hơn 200 tỷ USD.
[APEC 2017: Xây dựng khu vực hướng tới nhất thể hóa kinh tế khu vực]
Mặc dù kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh chóng kể từ sự kiện APEC 2016, song môi trường khu vực và toàn cầu của quốc gia Đông Nam Á này đã có những thay đổi mạnh mẽ, trong đó có sự nổi lên của xu hướng chống toàn cầu hóa tại một số nền kinh tế. Do đó, Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017 là cơ hội để Việt Nam thể hiện khả năng ứng phó với những thay đổi này.
Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng còn khiến cho sự kiện này mang tính lịch sử đặc biệt bởi trong cuộc Chiến tranh Đông Dương ở thế kỷ trước, Đà Nẵng và miền Trung Việt Nam là tuyến đầu. Bài viết cho rằng trong bối cảnh còn nhiều thách thức như hiện nay, Việt Nam sẽ cần vạch ra kế hoạch phát triển kinh tế mới để đảm bảo sự ổn định và phồn thịnh lâu dài của đất nước./.