Tạo xung lực mới cho hợp tác hữu nghị truyền thống Việt Nam-Bangladesh

Chuyến thăm chính thức Bangladesh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo xung lực mới cho sự phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nhân dịp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ thăm chính thức Cộng hòa Bangladesh trong năm Việt Nam và Bangladesh kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Á đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Nguyễn Mạnh Cường về quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung và hai quốc hội nói riêng.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Thưa Đại sứ, ông đánh giá thế nào về thành tựu quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước Việt Nam và Bangladesh trong 50 năm qua?

Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường: Có thể nói, trong suốt 50 năm qua, quan hệ truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam và Bangladesh ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, an ninh quốc phòng…

Trong số đó, quan hệ hợp tác giữa quốc hội hai nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, gắn kết 3 trụ cột ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Bangladesh.

Thời gian qua, hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao, các nhà lãnh đạo cũng có các cuộc gặp gỡ, trao đổi với nhau bên lề các diễn đàn khu vực và quốc tế. Hai nước luôn ủng hộ nhau ứng cử vào các vị trí quan trọng trong các tổ chức quốc tế đa phương.

[Củng cố và thúc đẩy quan hệ hai nước, hai Quốc hội Việt Nam-Bangladesh]

Ngoài đảng cầm quyền, Đảng ta luôn giữ quan hệ thường xuyên, tốt đẹp với các chính đảng tại Bangladesh như Đảng Cộng sản, Đảng Công nhân Bangladesh. Việc Hội Hữu nghị Bangladesh-Việt Nam được thành lập vào tháng 3/2023 là dấu ấn quan trọng nhằm tăng cường hợp tác, giao lưu giữa nhân dân hai nước.

Thương mại song phương có sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Năm 2018, kim ngạch thương mại giữa hai nước mới chỉ đạt khoảng 750 triệu USD nhưng đến năm 2022 đã đạt 1,5 tỷ USD và còn tiếp tục tăng.

Để đạt được những kết quả trên trong quan hệ hai nước có sự đóng góp cực kỳ quan trọng của hai quốc hội. Ngoài các chuyến thăm cấp cao, lãnh đạo và các nghị sỹ Quốc hội Việt Nam và Bangladesh luôn duy trì và phát triển quan hệ chặt chẽ, trao đổi kinh nghiệm, thông tin cho nhau về tình hình mỗi nước và quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ lên đường thăm chính thức Bangladesh và Bulgaria từ ngày 21-26/9/2023. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trong khuôn khổ hợp tác đa phương, quốc hội hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế, nhất là tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương (APPF)…, đóng góp vào sự phát triển chung vì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Nguyên Chủ tịch IPU, nghị sỹ Bangladesh, Saber Hossain Chowdhury, luôn dành thiện cảm đặc biệt cho Việt Nam, ủng hộ Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức thành công IPU lần thứ 132 tại Hà Nội (năm 2015) và Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á- Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững” tại Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2017); tham dự, phát biểu tại phiên họp toàn thể đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 26 của APPF tại Hà Nội (năm 2018).

Mới đây nhất, Quốc hội Bangladesh đã cử đoàn đại biểu gồm 4 nghị sỹ trẻ tham dự Hội nghị nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội từ ngày 14-17/9/2023.

- Xin Đại sứ cho biết đâu là những thế mạnh mà quốc hội hai nước cần phát huy?

Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường: Quan hệ giữa Việt Nam và Bangladesh ngày càng được củng cố, phát triển và còn rất nhiều dự địa để hợp tác trong thời gian tới. Yếu tố quan trọng để tăng cường hợp tác đó là cần phát huy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp của hai nước trong suốt 50 năm qua.

Hai nước có nhiều điểm tương đồng trong đấu tranh, giải phóng giành độc lập dân tộc và nay là sự nghiệp phát triển đất nước. Người dân và đặc biệt là các nghị sỹ Quốc hội Bangladesh luôn dành tình cảm yêu mến, cảm phục công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước; ngưỡng mộ trước những thành tựu phát triển của Việt Nam ngày nay.

Đường lối đối ngoại chung của hai nước là yêu chuộng hòa bình, hợp tác, hữu nghị. Bangladesh là nền kinh tế mới nổi, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng là một trong những nước có tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.

Với dân số khoảng 170 triệu người, đa số là lao động trẻ, năng động, sáng tạo, Bangladesh đã và đang là thị trường mới, tiềm năng cho sự hợp tác, đầu tư, kinh doanh của các đối tác Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.

- Xin Đại sứ cho biết trong chuyến thăm Bangladesh lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hai bên dự kiến có những phát triển mới gì?

Đại sứ Nguyễn Mạnh Cường: Trong bối cảnh hai nước tích cực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm chính thức Bangladesh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo xung lực mới cho sự phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, dự kiến ngoài việc chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai quốc hội, giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc của hai quốc hội; chính thức công bố thành lập Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị của hai nước, lãnh đạo quốc hội hai nước sẽ trao đổi tổng thể về quan hệ song phương trên các mặt chính trị-ngoại giao, hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư…; tình hình thế giới và khu vực mà hai bên quan tâm.

Đặc biệt, trong dịp này Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng sẽ tham dự và phát biểu tại Học viện Ngoại giao Bangladesh; tham dự, phát biểu và chứng kiến ký kết hợp tác kinh doanh giữa một số doanh nghiệp hai nước tại Diễn đàn Chính sách, Pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Bangladesh.

- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục