Trả lời phỏng vấn hãng tin Tân Hoa Xã, ông Rashed Al Mahmud Titumir, Chủ tịch tổ chức tư vấn Unnayan Onneshan ở Bangladesh, nhận định Trung Quốc đã chỉ ra rằng con đường phục hồi kinh tế đòi hỏi phải thúc đẩy tạo việc làm trực tiếp khi điều này có thể giúp gia tăng thu nhập và giữ cho nền kinh tế đi đúng hướng.
Theo ông Titumir, cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra đòi hỏi một lộ trình mới để cứu nhân loại, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mang lại sự thay đổi về chất trong cuộc sống của con người như sức khỏe tốt, giáo dục chất lượng, việc làm tốt, bình đẳng giới và các thể chế vững mạnh.
Ông Titumir cho biết đại dịch COVID-19 đã có tác động chưa từng có đến đời sống của người dân Bangladesh, với sự gia tăng tầng lớp người nghèo, thất nghiệp và số giờ công giảm.
[Công ty liên doanh Trung–Lào quản lý mạng lưới điện quốc gia của Lào]
Ông nói thêm rằng Trung Quốc và Bangladesh có thể phát triển quan hệ đối tác trong các mạng lưới sản xuất tạo ra việc làm, đặc biệt là trong các ngành tiểu thủ công nghiệp cần nhiều lao động, cũng như các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Mối quan hệ hợp tác giữa hai nước có thể bắt đầu với hàng dệt may, hàng hóa liên quan đến dệt may và máy móc thiết bị. Bước tiếp theo có thể là trong các lĩnh vực kỹ thuật và các ngành công nghiệp lắp ráp, đối với các sản phẩm như điện thoại thông minh, máy thu hình (TV), tủ lạnh, xe máy và các thiết bị gia dụng khác.
Ông Titumir nhấn mạnh phát triển kỹ năng và nâng cao năng suất lao động là cần thiết để giúp phát triển kinh tế, đồng thời cho rằng Trung Quốc có thể là đối tác trong việc xây dựng các cơ sở giáo dục, bao gồm các trung tâm đào tạo kỹ thuật và dạy nghề ở Bangladesh.
Theo ông, Trung Quốc đã cho thấy sự kiên cường trong quá trình phục hồi của nền kinh tế này và để ngăn chặn sự chệch hướng của đà phục hồi, cần phải có một cơ chế chính sách liên quan đến cung cấp hàng hóa công và phân phối công bằng các nguồn lực. Những điều này sẽ cho phép các quốc gia tiến tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững./.