Qua gần một tháng làm việc khẩn trương và trách nhiệm, Kỳ họp thứ 11 - Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành khối lượng công việc theo đúng chương trình đề ra.
Bên lề Kỳ họp, các đại biểu đều có chung ý kiến: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, như: thông qua Hiến pháp 2013 và nhiều luật, bộ luật quan trọng; lấy phiếu tín nhiệm những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; đổi mới trong giám sát tối cao và đặc biệt là tiến hành kiện toàn nhân sự cấp cao trong bộ máy lãnh đạo của Nhà nước, tạo tiền đề cho sự phát triển trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cũng như giai đoạn tiếp theo của đất nước.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đánh giá: Nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội đã tạo được nhiều điểm nhấn quan trọng. Đầu tiên là việc thực hiện Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã thông qua 107 Luật, bộ Luật, cụ thể hóa các điểm mới. Đây là một dấu ấn quan trọng trong thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp của Quốc hội. Đồng thời, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã có sự thay đổi cách thức hoạt động: đối với mỗi vấn đề, Quốc hội đều phân tích, mổ xẻ kỹ trên cơ sở có những căn cứ về khoa học cũng như thực tiễn để quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Điển hình như: quyết định đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; quyết định theo thẩm quyền của Quốc hội về việc phân bổ sử dụng ngân sách Nhà nước; việc kết hợp các chương trình mục tiêu Quốc gia. Cũng tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội đã thông qua kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm để làm tiền đề cho Chính phủ điều hành kinh tế, sớm hơn so với các nhiệm kỳ trước. Với chức năng giám sát, tại nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã tiến hành giám sát một cách đồng bộ, bài bản nhiều chuyên đề quan trọng, đặc biệt là việc chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thủ tướng và thành viên của Chính phủ được tiến hành một cách bài bản, thường xuyên. Qua hoạt động này, Quốc hội ra Nghị quyết để Chính phủ có căn cứ thực hiện, bảo đảm thực hiện lời hứa trước cử tri và nhân dân. Đó là việc thực hiện các nhiệm vụ rất quan trọng đối với chức năng của Quốc hội.
Điểm đặc biệt là tại các nhiệm kỳ khóa trước, kỳ họp cuối cùng chỉ dành cho việc tổng kết mang tính nội bộ hoạt động của Quốc hội cũng như các cơ quan do Quốc hội bầu ra. Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã làm được việc rất quan trọng, đó là ngoài việc tổng kết nhiệm kỳ theo thông lệ của những khóa Quốc hội trước đây; kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước một cách đồng bộ nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đó là một điều đặc biệt của Kỳ họp thứ 11 cũng như nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Việc kiện toàn này sẽ tạo thời gian sớm hơn thông lệ để các thành viên trong bộ máy Nhà nước được kiện toàn, có thể bắt tay vào công việc. Trong nhiệm kỳ Chính phủ sắp tới và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, các đại biểu sẽ có điều kiện nhập cuộc nhanh hơn, sớm hơn để có thể triển khai công việc bài bản và đồng bộ hơn.
Đại biểu Phạm Tất Thắng nhấn mạnh Quốc hội khóa XIII đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo tiền đề quan trọng để Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV có những hoạt động bài bản hơn, cụ thể hơn trên lĩnh vực công tác. Với việc kiện toàn một số nhân sự trong bộ máy nhà nước, trong đó có sự chủ chốt lãnh đạo Quốc hội, đại biểu tin tưởng việc bầu cử Quốc hội khóa XIV cũng như Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ được triển khai tốt. Quốc hội khóa XIV sẽ kế thừa được những kết quả quan trọng của Quốc hội khóa XIII và truyền thống tốt đẹp của Quốc hội Việt Nam, tạo ra tiền đề tốt để có những bước phát triển trong nhiệm kỳ khóa XIV cũng như giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đánh giá, trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động của Quốc hội đã có sự đổi mới chưa từng có. Rất nhiều mặt hoạt động từ công tác lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là vấn đề dân chủ trong hoạt động của Quốc hội ngày càng được mở rộng. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ khóa XIII, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, giúp cho các hoạt động giám sát tối cao đối với các thành viên của Chính phủ có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Khi Quốc hội hoạt động tích cực, hoạt động của Chính phủ cũng theo đó hoạt động tốt hơn. Do đó, mặc dù đầu nhiệm kỳ, Chính phủ hoạt động rất khó khăn nhưng với sự ủng hộ và giám sát thường xuyên của Quốc hội, các thành viên Chính phủ đã rất nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, qua đó góp phần bảo đảm nền kinh tế vĩ mô, giữ gìn được sự ổn định trật tự an toàn xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế rất rõ.
Hơn một tháng nữa là đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Thị Ngọc Khánh mong muốn với kinh nghiệm hoạt động của các khóa trước, nhất là khóa XIII đã có những đổi mới rất mạnh mẽ, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sẽ có sự đổi mới ngày càng mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, qua bầu cử khóa tới sẽ lựa chọn được những đại biểu xứng đáng, có sự đổi mới để chất lượng hoạt động của Quốc hội sẽ ngày càng tốt hơn.
Thể hiện sự ấn tượng mạnh mẽ đối với việc tại Kỳ họp thứ 11, lần đầu tiên những người đứng đầu nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã tuyên thệ trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào và cử tri cả nước, đại biểu Đinh Huy Chiến (Thái Nguyên) khẳng định: Đó là những lời tuyên thệ rất có ý nghĩa, như một lời thề hứa của những người đứng đầu đất nước, đứng đầu Chính phủ, đứng đầu Quốc hội với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân. Những lời hứa đó đã mang lại lòng tin, niềm tin cho nhân dân, cử tri cả nước.
Cùng ý kiến, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng nội dung và ý nghĩa của tuyên thệ rất tốt. Đó là sự cam kết của các đồng chí đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đối với đất nước, đối với Quốc hội và cử tri cả nước. Người dân sẽ không bao giờ quên những điều người đứng đầu nhà nước đã tuyên thệ. Điều này giúp cử tri và nhân dân cả nước có căn cứ để giám sát những người đứng đầu nhà nước đã thề, hứa điều gì.
Băn khoăn về những khó khăn đối với nhiệm kỳ mới, đại biểu Lê Nam cho rằng sắp tới, Đảng, Nhà nước, Thủ tướng, Chủ tịch nước, Quốc hội có nhiệm vụ rất nặng nề. Điển hình như việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, hay vấn đề nợ công, ngân sách quốc gia... là những vấn đề rất khó khăn nhưng phải tìm ra cách tháo gỡ. Đại biểu tin tưởng bộ máy nhà nước và những cán bộ lãnh đạo mới sẽ tìm được cách giải quyết được những khó khăn này./.