Sáng 7/11, tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Chính phủ trình dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).
Tờ trình dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) nêu rõ việc sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, lành mạnh hóa thị trường công nghệ và môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao, bảo đảm môi trường xanh và phát triển bền vững đất nước.
Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung theo hướng kế thừa các nội dung tiến bộ của Luật hiện hành năm 2006, xác định, lựa chọn các vấn đề thực sự vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, cải thiện trình độ công nghệ quốc gia và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ trong nước; có cơ chế kiểm tra, kiểm soát công nghệ nhập khẩu, bảo đảm hài hòa giữa đầu tư, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Dự thảo Luật có những điểm mới quy định cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển tổ chức trung gian, nâng cao năng lực nguồn cung và cầu để phát triển thị trường khoa học-công nghệ; quy định việc đưa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, công nghệ, đối tượng sở hữu trí tuệ có thể xác định được giá trị làm tài sản bảo đảm trong giao dịch vay vốn đầu tư cho các dự án khoa học và công nghệ, khởi nghiệp công nghệ, phát triển sản xuất kinh doanh.
Dự thảo Luật quy định cơ chế phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với các cơ quan liên quan về chống chuyển giá trong hoạt động chuyển giao công nghệ; quy định về kiểm toán giá công nghệ trong chuyển giao công nghệ giữa công ty mẹ - công ty con hoặc giữa các bên có quan hệ liên kết; tổ chức điều tra, thu thập thông tin về chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ phục vụ quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ.
Dự thảo luật quy định việc tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thẩm định công nghệ các dự án đầu tư nhằm hạn chế, ngăn chặn công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, môi trường và phát triển bền vững của quốc gia; mở rộng nội dung chi của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp có thể sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng vốn và nhận đối ứng vốn đầu tư cho ươm tạo công nghệ, thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp...
Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) gồm 7 chương, 62 điều, trong đó sửa đổi 30/61 điều, bổ sung 2 điều mới và bỏ 1 điều, tập trung vào một số vấn đề: Phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; Cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới công nghệ.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thấy rằng cần thiết sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ, coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của nền kinh tế và bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong nước; kiểm soát chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu; tiếp thu và làm chủ công nghệ cao, tiên tiến của thế giới; đồng thời kiểm soát và từng bước chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, sửa đổi một số quy định còn chung chung, để đảm bảo hơn nữa tính khả thi của dự án Luật; tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ với các Ban soạn thảo của các dự án Luật đang trong quá trình sửa đổi hoặc ban hành mới như dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các Luật về thuế, đầu tư, kinh doanh... để bảo đảm dự thảo Luật phù hợp và thống nhất với hệ thống pháp luật; rà soát lại Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006 để tiếp tục đưa ra khỏi dự thảo luật các điều khoản không còn phù hợp, hoặc bổ sung những điều khoản mới phù hợp với thời kỳ mới./.