Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo chống chuyển giá

Hoàn thiện Nghị định 20 là để tháo gỡ khó khăn mà các doanh nghiệp trong nước đang gặp, tiếp tục hoàn chỉnh lại công cụ chống chuyển giá và tình trạng vốn mỏng phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Siêu thị Coop Mart Thanh Hà. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Siêu thị Coop Mart Thanh Hà. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Ngày 29/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, doanh nghiệp về việc sửa đổi Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Nghị định được ban hành nhằm mục tiêu khắc phục tình trạng chuyển giá, “tay không bắt giặc” của doanh nghiệp. Song, sau 2 năm triển khai, Nghị định đã phát sinh một số bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp trong nước.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Nghị định 20 phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc “nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng,” “chuyển giá,” “hoàn thiện, bổ sung các quy định chặt chẽ trong pháp luật về thuế... để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá.”

Các nội dung tại Nghị định 20 là phù hợp với thông lệ quốc tế và khuyến cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Báo cáo cho thấy, các năm 2017, 2018 đã có lần lượt 11.196 và 11.970 đơn vị kê khai quan hệ liên kết; tỷ trọng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 64%; trong đó, có 6.604 đơn vị (năm 2017) và 7.785 đơn vị (năm 2018) phát sinh giao dịch liên kết và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 85%.

Qua thanh tra, kiểm tra, tổng số thu đã xử lý là 11.089 tỷ đồng, trong đó truy thu, truy hoàn và phạt 2.089 tỷ đồng; giảm khấu trừ bình quân 75 tỷ đồng; giảm lỗ 8.925 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế bình quân 7.732 tỷ đồng mỗi năm.

Điều chỉnh loại chi phí lãi vay là làm tăng lợi nhuận ảo

Phát biểu mở đầu cuộc họp, nhấn mạnh tinh thần của Chính phủ là cởi mở, công khai, minh bạch, Chính phủ kiến tạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, ngoài cơ quan quản lý nhà nước, còn có có đại diện của Quốc hội, các doanh nghiệp, để lắng nghe ý kiến nhiều chiều, “nói phải củ cải cũng phải nghe,” có vướng mắc là phải xử lý.

Phó Thủ tướng nêu ý kiến của doanh nghiệp cho rằng khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 (quy định tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế) là chưa có cơ sở pháp lý, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp không nêu rõ quy định này.

Những vấn đề liên quan đến thuế phải được quy định bằng luật, nghị định chỉ mang tính hướng dẫn, không được cao hơn luật. Trong khi thuyết minh của Bộ Tài chính là có cơ sở pháp lý để Chính phủ quy định việc này.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nêu lên các bất cập của Nghị định đã được Bộ Tài chính chỉ ra là quy định khống chế 20% chi phí lãi vay đối với tất cả doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chưa loại trừ trường hợp đặc thù; khống chế theo chi phí lãi vay gộp, không cho trừ doanh thu lãi từ tiền cho vay; việc khống chế chi phí tiền vay tương đối bất cập đối với một số tập đoàn kinh doanh đa ngành, nghề có mức thâm dụng vốn lớn, ảnh hưởng đến việc huy động trung và dài hạn.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp còn lúng túng đối với việc xử lý lãi âm trong kỳ, nhất là những dự án chưa phát sinh lợi nhuận. Từ thực tế của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Tài chính (Tập đoàn Vingroup) cho biết, mục tiêu ban hành Nghị định 20 là nhằm chống thất thu thuế tại Việt Nam thông qua các giao dịch chuyển giá qua biên giới quốc gia, trong đó có giao dịch chuyển giá thông qua chi phí lãi vay.

Tuy nhiên, trên thực tế so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào vốn vay nhiều hơn và không có động cơ về việc chuyển giá thông qua chi phí lãi vay.

Việc điều chỉnh loại chi phí lãi vay làm tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, khiến không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng.

[Quốc hội ban hành Nghị quyết Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020]

Nghị định 20 chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và đang làm hạn chế sự đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; không khuyến khích doanh nghiệp xã hội hóa, tạo rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành, nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.

Tập đoàn Vingroup kiến nghị tạm dừng thi hành khoản 3 Điều 8 của Nghị định số 20 và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định cho phù hợp với quy định hiện hành, thông lệ quốc tế và thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Đối với các doanh nghiệp đã kê khai, nộp thuế theo hướng dẫn của Nghị định 20 trước khi dừng thi hành Nghị định 20, cho phép được chuyển số thuế đã nộp thừa (nếu có) bù trừ vào số thuế phải nộp của các năm tiếp theo hoặc chuyển số chi phí lãi vay bị loại trừ vào 5 năm tiếp theo nếu doanh nghiệp có lỗ.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Xuân Nam bày tỏ, quy định tại khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 dẫn đến EVN buộc phải nộp thuế tăng 500 tỷ đồng, trong khi bản chất liên kết giữa công ty mẹ EVN với các công ty con - tổng công ty phát điện, không phải là cho vay lại để chuyển giá theo tinh thần Nghị định 20. EVN phải nộp thuế là không hợp lý, Tập đoàn đã có 3 công văn báo cáo Bộ Tài chính và Thủ tướng.

Ông Nguyễn Xuân Nam kiến nghị, điện là mặt hàng nằm trong phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước, do vậy, nên cho phép EVN không thuộc đối tượng áp dụng của quy định này. Chính phủ nên cho sửa đổi, bổ sung ngay Nghị định 20, trong đó tập trung vào sửa đổi khoản 3, Điều 8.

Đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng kiểm soát giao dịch liên kết trong nội bộ doanh nghiệp Việt Nam là không cần thiết.

Theo ông, quy định như Nghị định có thể dẫn tới đánh thuế 2 lần trên cùng một giao dịch, thuế chồng lên thuế, làm cản trở việc tiếp cận tăng nguồn vốn cho hoạt động của các tập đoàn, bởi không phải dự án mới nào cũng có điều kiện tiếp cận vốn, nên việc huy động vốn qua công ty mẹ, chuyển cho công ty con là cần thiết.

Ông cũng cảnh báo chúng ta đang có chủ trương thành lập các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu, doanh nghiệp tư nhân góp vốn vào tập đoàn kinh tế nhà nước, hình thành doanh nghiệp lớn có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Việc hình thành nguồn vốn qua huy động vốn là cách thức để doanh nghiệp tư nhân lớn lên, nếu không sửa đổi Nghị định 20 sẽ làm cản trở định hướng này và cản trở đến việc khuyến khích các tập đoàn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giáo dục, y tế thuộc các lĩnh vực xã hội hóa đầu tư vào các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

“Cơ chế giải quyết vấn đề tín dụng rất có hiệu quả nhưng chúng ta chặt tay, chặt chân doanh nghiệp bằng cách khống chế 20% là rất khó,” ông Vũ Tiến Lộc nói.

Ông đề nghị bỏ hoặc tạm dừng thi hành khoản 3, Điều 8 để chờ đánh giá tác động, nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế. Việc hạn chế về chi phí lãi vay phải được đưa vào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và nếu có mức trần thì nên ở mức 30%.

“Nếu có hạn chế hay không hạn chế chi phí vay thì cũng phải áp dụng công bằng với mọi doanh nghiệp chứ không phải riêng lĩnh vực nào... Cần có một môi trường kinh doanh bình đẳng, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển, để không bị chèn ép bởi các tập đoàn xuyên quốc gia,” ông Lộc nói và cho rằng, việc doanh nghiệp FDI không kêu ca về Nghị định 20 là bởi việc chuyển giá của họ là đã rõ, còn với công ty Việt Nam ở trong nước rất hiếm trường hợp chuyển giá, vì không có trường hợp chênh lệch về thuế suất, trừ trường hợp doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế suất.

Vẫn có hiện tượng chuyển giá ở doanh nghiệp trong nước

Trong khi đó, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Trần Quang Chiểu khẳng định, Nghị định 20 là căn cứ pháp lý cao nhất, hiệu quả nhất và duy nhất đến thời điểm này của Chính phủ trong việc quản lý chống chuyển giá, chống vốn mỏng thông qua quy định về khống chế chi phí lãi tiền vay.

“Nói Nghị định 20 như một tội phạm trong cản trở phát triển kinh tế là tôi không đồng ý, nếu không có quy định này, tôi xin khẳng định, sẽ diễn biến phức tạp hơn rất nhiều”, ông nói và đề cập đến các trường hợp của Metro, CocaCola, Big C... Từ khi có Nghị định 20, việc chuyển giá, chuyển lợi nhuận, “bóc lột người Việt Nam”... chuyển ra nước ngoài đối với doanh nghiệp FDI hầu như không phát sinh.

Ông Trần Quang Chiểu khẳng định, trong nước, cùng một tỷ lệ thuế suất, vẫn có hiện tượng chuyển giá, như giữa trong khu chế xuất và ngoài khu chế xuất, trong khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp, hai doanh nghiệp hoạt động trong hai chế độ khác nhau. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 20 là hoàn toàn đúng pháp luật, phù hợp, đúng thẩm quyền.

Cho rằng quy định của Nghị định chỉ ảnh hưởng đến một số lĩnh vực, doanh nghiệp, ông Trần Quang Chiểu đề nghị tập trung tháo gỡ đối với 15% doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết.

“Với quan điểm Chính phủ hành động, phục vụ, kiến tạo, tôi đề nghị thấy tồn tại phải sửa ngay , sửa theo quy trình rút gọn,” ông nói và đề nghị có phạm vi loại trừ đối với các dự án BOT, BT liên quan đến hạ tầng kỹ thuật; nguyên tắc tối cao của Nghị định này là phải đảm bảo quản được vốn và giải quyết được 15% quan hệ giao dịch trong nước đang còn vướng mắc.

Hoàn thiện Nghị định 20 là để tháo gỡ khó khăn mà các doanh nghiệp trong nước đang gặp, tiếp tục hoàn chỉnh lại công cụ chống chuyển giá và tình trạng vốn mỏng phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, tất cả các tập đoàn lớn đang đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đều cho rằng Nghị định 20 có ảnh hưởng lớn đến việc quyết toán thuế của họ.

Đưa con số tính toán mức khống chế trần lãi vay 20% hiện nay thì doanh nghiệp trong nước bị thiệt hại là đương nhiên, ông đánh giá, nếu nâng mức trần lên 30% sẽ cao hơn mức huy động lãi suất ngân hàng, doanh nghiệp sẽ thấy thỏa đáng.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, những bất cập phải sửa và quá trình này cần làm khẩn trương nhưng phải thận trọng.

Sửa đổi Nghị định là cấp thiết và phải theo nguyên tắc công khai, minh mạch, không phân biệt đối xử, bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu chống chuyển giá.

Hướng sửa đổi, theo Phó Thủ tướng, là sửa đổi, bổ sung ngay, không chờ ban hành nghị định thực hiện toàn diện Luật Quản lý thuế; đồng thời đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cho thực hiện theo quy trình rút gọn.

Nội dung sửa đổi cần tập trung vào các bất cập hiện nay như quy định khống chế mức chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, phạm vi áp dụng, đối tượng đặc thù.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục