Tạo thói quen tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy bền vững về môi trường

Chuyển dịch năng lượng đang là mục tiêu quan trọng của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới trước sức ép nhu cầu năng lượng tăng trong khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt.
Tạo thói quen tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy bền vững về môi trường ảnh 1Hội thảo Quốc gia “Giải pháp Năng lượng sạch tại các đô thị - Hướng tới phát thải ròng bằng không của Việt Nam". (ẢNh: PV/Vietnam+)

Tăng cường triển khai các giải pháp năng lượng sạch và những tiến bộ trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đem đến những cơ hội lớn để xây dựng một ngành năng lượng bền vững và đáng tin cậy, giúp đảm bảo tăng trưởng xanh và thúc đẩy sự bền vững về môi trường.

Đây là ý kiến của bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam tại hội thảo Quốc gia “Giải pháp Năng lượng sạch tại các đô thị - Hướng tới phát thải ròng bằng không của Việt Nam,” tổ chức tại Nha Trang, ngày 9-10/6 với sự tham dự của hơn 120 chuyên gia trong và ngoài nước.

[Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam]

Thông tin đưa ra tại hội thảo nhấn mạnh chuyển dịch năng lượng đang là mục tiêu quan trọng của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới trước sức ép nhu cầu năng lượng tăng trong khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt.

Đáng chú ý, không chỉ giúp đảm bảo nhu cầu năng lượng cũng như an ninh năng lượng của mỗi quốc gia, việc phát triển năng lượng tái tạo còn là một giải pháp quan trọng nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Các nguồn năng lượng tái tạo giúp giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả.

Đơn cử, một hệ thống điện Mặt Trời công suất 1MWp được lắp đặt trên mái của nhà xưởng doanh nghiệp sẽ tạo ra 120-150.000 kWh điện/tháng, hơn 1,5 triệu kWh điện/năm, giúp giảm phát thải khoảng 1.000 tấn CO2/năm và tương đương với trồng hơn 17.000 cây xanh mỗi năm.

Như vậy, trong suốt vòng đời khoảng 25-30 năm, hệ thống này sẽ giúp giảm phát thải khoảng 25-30 tấn CO2. Việc đầu tư nguồn năng lượng tái tạo như điện Mặt Trời không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho các hộ gia đình, doanh nghiệp khi có thể tự tạo ra điện sạch để phục vụ nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của mình mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt môi trường.

Theo ông Nguyễn Khắc Văn, Phó Trưởng phòng Quản lý Năng lượng, Sở Công Thương Hà Nội, một trong những đặc điểm của thành phố là tập trung phát triển kinh tế, trong đó có nhiều chỉ tiêu nội dung đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo điện là một trong những yêu cầu.

Về cơ bản, lưới điện phân phối và truyền tải của Hà Nội hiện nay đã đáp ứng yêu cầu, đảm bảo chất lượng, có sự phòng cho phát triển đám ứng tốc độ tăng trưởng sử dụng diện từ 8-10%/năm. Sản lượng nguồn điện khác, như: diezen, điện rác, năng lượng mặt trời… đóng góp chưa đến 0,5% lượng điện của thành phố.

“Hà Nội sử dụng phương tiện cá nhân, tăng lượng phát thải. Do vậy, Sở Công Thương đã thực hiện nhiều chương trình điều chỉnh, giảm phát thải như đẩy mạnh chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn thứ 3 (2021-2025),” ông Văn nói.

Tạo thói quen tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy bền vững về môi trường ảnh 2Xe bus điện ở Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện Hà Nội cũng tổ chức nhiều hoạt động, như: Giờ trái đất; Thực hiện nhiều phong trào hiệu quả, hỗ trợ các doanh nghiệp; đẩy mạnh phong trào hộ gia đình năng lượng tiêu biểu, thói quen sinh hoạt tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, làm việc với hơn 400 doanh nghiệp, điều tiết thói quen sử dụng năng lượng, giảm được ổn định nguồn điện…

Ngoài ra, thành phố cũng đẩy mạnh một số hoạt động sử dụng phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng, vận hành thương mại tuyến tàu điện Cát Linh-Hà Đông; hệ thống xe bus chạy điện do Tập đoàn Vingroup vận hành; hệ thống trạm sạc xe ôtô điện do Tập đoàn Vingroup xây dựng giai đoạn 1/2022 gồm 67 điểm trạm sạc tại các trung tâm thương mại, bãi đỗ xe…

Tuy vậy, ông Nguyễn Khắc Văn cũng đề xuất cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển năng lượng Mặt Trời, năng lượng tái tạo; Hỗ trợ tài chính, pháp lý, kỹ thuật… trong việc phát triển điện Mặt Trời, phát triển nguồn năng lượng tái tạo phân tán, đặc biệt là các nguồn điện phân tán có tích hợp cùng hệ thống trạm sạc điện phục vụ vận hành ô tô điện…

Về tiềm năng thương mại hóa những giải pháp sáng tạo về năng lượng trong tương lai, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng nếu hai giải pháp, trong đó ưu tiên hỗ trợ phát triển hệ thống sạc điện và giải pháp sử dụng công nghệ số cho toàn bộ khách hàng sử dụng điện rất triệt để.

“EVN Hà Nội năm 2021 được đánh giá một trong những doanh nghiệp chuyển đổi số mạnh mẽ, dùng app để khách hàng tải về sử dụng, tra cứu thông tin khách hàng rất chi tiết, để có thể biết thói quen, đưa ra cảnh báo, điều chỉnh hành vi sử dụng năng lượng của mình và giải pháp đó rất hiệu quả,” ông Nguyễn Khắc Văn thông tin thêm.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia từ các tổ chức và lĩnh vực khác nhau đã chia sẻ kinh nghiệm, bài học và thực hành tốt nhất liên quan đến việc phát triển và triển khai năng lượng phân tán, tiên tiến.

Mục tiêu chính của hội thảo lần này là nhằm nâng cao nhận thức về các bài học và kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp năng lượng phân tán, tiên tiến; nâng cao nhận thức về các quy định và khuôn khổ pháp lý hiện hành và sắp ban hành liên quan đến việc phát triển và triển khai các giải pháp năng lượng phân tán, tiên tiến.

Cùng đó, hội thảo cũng là cơ hội thúc đẩy đối thoại chính sách giữa các bên liên quan của khu vực tư nhân và các nhà hoạch định chính sách liên quan đến năng lượng tiên tiến, phân tán; thúc đẩy và củng cố mạng lưới hiện có của các bên liên quan hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tiên tiến, phân tán.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục