Du lịch chăm sóc sức khỏe là xu hướng du lịch mới mẻ tại Việt Nam, nở rộ sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thừa Thiên-Huế được đánh giá hội đủ tiềm năng để phát triển xu hướng này.
Ngành du lịch địa phương xác định đây sẽ là yếu tố tạo nên sự khác biệt, đẳng cấp cho du lịch Cố đô Huế trong năm 2023.
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài viết về Du lịch chăm sóc sức khỏe tại Thừa Thiên-Huế nhằm khẳng định những thế mạnh riêng có cũng như quá trình xây dựng, tạo thương hiệu cho sản phẩm du lịch đặc thù này.
Bài 1: Thế mạnh cạnh tranh
Được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên cùng sự phát triển y học nổi bật, Thừa Thiên-Huế có đủ tiềm năng để cạnh tranh, phát triển mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe trở thành mũi nhọn, đặc sắc cho du lịch địa phương.
Theo báo cáo của Viện Sức khỏe toàn cầu, du lịch chăm sóc sức khỏe đang dần trở thành lựa chọn của du khách nhằm hướng đến cuộc sống khỏe mạnh, thư thái, gần gũi với thiên nhiên, trải nghiệm và cân bằng cảm xúc… Năm 2022, doanh thu từ loại hình này ước đạt 919 tỷ USD, chiếm 18% tỷ trọng thị trường du lịch thế giới.
Du lịch chăm sóc sức khỏe không hẳn là du lịch chữa bệnh bởi mục đích của chuyến đi là giúp khách du lịch có khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn cả về thể chất và trí não.
Chương trình du lịch chăm sóc sức khỏe thường không bao gồm nhiều hoạt động di chuyển, tham quan các điểm đến du lịch mà được thiết kế với những hoạt động thể chất, tâm lý hay tâm linh nhằm tăng cường sức khỏe cho du khách, làm mới lại cơ thể.
[Phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe: Tăng sức hút với du khách]
Ở Việt Nam, loại hình du lịch này khá mới mẻ, mới bắt đầu phát triển trong vài năm trở lại đây và được đánh giá phù hợp, có khả năng phát triển bởi nước ta sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên, điểm du lịch nghỉ dưỡng thích hợp.
Thừa Thiên-Huế là một trong những địa phương chú trọng tới việc phát triển loại hình du lịch đặc biệt này, bên cạnh Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Nam, Bình Thuận.
Thiên thời địa lợi
Tại Diễn đàn du lịch Huế năm 2022, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc nhận định, Thừa Thiên-Huế có đầy đủ tiềm năng để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe.
Bên cạnh quần thể Di tích Cố đô Huế, hệ thống chùa miếu cùng cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, nơi đây có 7 nguồn nước khoáng nóng. Hai trong số đó đã được khai thác, hình thành khu nghỉ dưỡng phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của du khách.
Nhiều chuyên gia, chủ doanh nghiệp đánh giá Cố đô Huế có hầu hết các yếu tố để xây dựng sản phẩm du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe. Hệ thống suối nước khoáng nóng thích hợp các phương thức thủy liệu pháp. Trong khi đó, hệ thống đồi núi, rừng thích hợp triển khai các hoạt động rèn luyện sức khỏe và hoạt động thể dục, thể thao có thể được tận dụng từ thế mạnh hệ sinh thái biển tại địa phương.
Để có thể trải nghiệm những hoạt động ấy, du khách đến Huế có thể lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp được xây dựng trong không gian yên bình trên triền đồi, ven sông Hương hay trải dài trên các bãi biển.
Ở Laguna Lăng Cô, Vedana Lagoon Resort and Spa, Lang Co Beach, Làng hành hương…, du khách được thoải mái tận hưởng không gian yên bình, hòa mình với thiên nhiên, giải tỏa căng thẳng.
Hay về đến nội đô thành phố Huế, du khách có cơ hội trải nghiệm dịch vụ khám, chữa bệnh Đông y cổ truyền tại khách sạn Spatel D’Annam hoặc dịch vụ spa đẳng cấp ở các khách sạn Azerai La Residence, Silk Path Grand, Melia Vinpearl.
Thừa Thiên-Huế được biết đến với thế mạnh y học trên bản đồ đất nước. Điều đó đã được chứng minh qua kết quả phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương trong những năm qua. Nơi đây còn là mảnh đất phát triển về Đông y, Tây y cùng hệ thống cây dược liệu phong phú và đa dạng; nền y học cổ truyền lâu đời với hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại tại Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y dược Huế…
Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và quốc tế thuộc Bệnh viện Trung ương Huế đã xây dựng một hệ thống cơ sở vật chất, các quy chế tương đối hoàn chỉnh liên quan đến khám, chữa bệnh cho đối tượng nước ngoài, mang tính chất đột phá và đón đầu mô hình du lịch y tế.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phúc cho hay tỉnh có rất nhiều tiềm năng để đón đầu dòng khách nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe, một xu hướng đang rộ lên sau 2 năm cả thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ngành du lịch địa phương đang chú trọng quảng bá các lợi thế này nhằm thu hút du khách và kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng dự án du lịch; trong đó, có mảng dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo các mô hình thực sự đẳng cấp để tạo thương hiệu khác biệt cho Thừa Thiên-Huế.
Bài toán khai thác
Là mô hình khá mới mẻ, việc tận dụng thế mạnh, triển khai hiệu quả du lịch chăm sóc sức khỏe là một bài toán khó đối với Việt Nam nói chung và Thừa Thiên-Huế nói riêng. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc thẳng thắn nhìn nhận, các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.
Hoạt động trải nghiệm chưa phong phú, đa dạng; sản phẩm du lịch nghèo nàn, chất lượng chưa cao, kỹ năng phục vụ chưa chuyên nghiệp. Hơn nữa, số lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ, doanh nghiệp lữ hành tham gia khai thác loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe chưa nhiều.
Sự quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất cũng như xúc tiến quảng bá, phát triển thị trường đối với dòng sản phẩm này cũng chưa được thực hiện hiệu quả, bài bản. Do đó, các tỉnh thành vẫn chưa xây dựng được những sản phẩm du lịch chất lượng, tạo thương hiệu cho doanh nghiệp, địa phương và quốc gia dù đây là thị phần "màu mỡ" cho ngành du lịch, đặc biệt trong tình hình hiện nay.
Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Ngành Du lịch muốn tạo nên dấu ấn thương hiệu cần mang lại sự tận hưởng tốt nhất cho du khách. Trong đó, hai yếu tố định hướng cốt lõi chính là “khác biệt” và “đẳng cấp.”
Thừa Thiên-Huế xác định du lịch chăm sóc sức khỏe sẽ đóng vai trò tạo dựng hình ảnh và thương hiệu cho ngành du lịch địa phương.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Thanh Bình, tỉnh đã giao cho Sở Du lịch xây dựng và sẽ sớm có đề án phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe để triển khai một cách có khoa học, đúng hướng trong thời gian tới.
“Chúng tôi đã mở các hội thảo, mời chuyên gia góp ý để xây dựng đề án này một cách hiệu quả nhất; trên cơ sở kết nối các tiềm năng thế mạnh, bằng những cơ chế chính sách của Nhà nước và sự tham gia đồng bộ của các doanh nghiệp. Tỉnh sẽ tạo điều kiện, khuyến khích các hệ sinh thái phát triển trong lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khỏe; tập trung rà soát cơ sở hạ tầng bao gồm y tế và cơ sở dịch vụ du lịch. Đặc biệt, địa phương chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để đem đến chất lượng dịch vụ, trải nghiệm tốt nhất cho du khách khi đến Thừa Thiên-Huế”, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh chia sẻ.
Đề án sẽ sớm xác định mô hình phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe cụ thể. Trong đó, Đề án có sự kết nối hệ thống, khoa học từ chính quyền đến cơ sở, doanh nghiệp, người dân để tạo nên tiềm năng xứng đáng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe.
Nếu khai thác tốt tiềm năng và triển khai đồng bộ, đây sẽ là “cú hích” tạo nên điểm nhấn, khẳng định vị thế của ngành du lịch Thừa Thiên-Huế trên bản đồ đất nước, khu vực./.
Đón đọc bài 2: Tạo nhiều sản phẩm du lịch sức khỏe đẳng cấp cho du lịch Cố đô Huế