Tạo sức hút vốn FDI vào bất động sản bằng sự minh bạch

Để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng, Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng gắn kết với các hạ tầng dịch vụ logistics, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...
Các dự án chung cư cao cấp trong khu đô thị Gamuda Gaderns (Gamuda City) tại Hà Nội với vốn đầu tư từ Tập đoàn bất động sản Malaysia - Gamuda Land. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Nhiều năm liên tục, lĩnh vực bất động sản luôn có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản hiện nay vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là rào cản về pháp lý, thủ tục hành chính.

Để tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng, tạo đà cho bất động sản công nghiệp bứt phá và phát triển theo hướng bền vững, Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng gắn kết với các hạ tầng dịch vụ logistics, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...

[Chuyên gia: Cần 'chọn mặt gửi vàng' trong đầu tư bất động sản]

Để hiểu rõ hơn, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và Vốn đầu tư, Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

- Nhiều năm liên tục, lĩnh vực bất động sản luôn có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Xin ông cho biết các chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có tác động như thế nào đến thu hút FDI vào lĩnh vực này?

Vụ trưởng Nguyễn Việt Phong: Trong những năm qua, lĩnh vực bất động sản luôn có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài thể hiện qua các con số thu hút đầu tư như: năm 2016 là 2,36 tỷ USD, chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài; năm 2017 là 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5%; năm 2018 là 8,25 tỷ USD, chiếm 22,5% và năm 2019 là 3,87 tỷ USD, chiếm 10,2%.

Để đạt được kết quả ấn tượng này, có thể khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài do chúng ta có lợi thế với lực lượng lao động trẻ, chi phí nhân công thấp, cùng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, môi trường chính trị ổn định và duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá trong nhiều năm qua.

Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép nhà đầu tư có quyền tự do đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà luật không cấm.

Luật Đầu tư năm 2014 đã xác định rõ danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; có cơ chế kiểm soát và công bố các điều kiện đầu tư kinh doanh.

Luật cũng đưa ra các điều khoản cụ thể quy định về chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư.

Một góc thánh phố Hà Nội. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp khơi thông, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai.

Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định về đầu tư kinh doanh, Các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ pháp lý, môi trường... được thực hiện đã phát huy hiệu quả, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đối với tất cả các ngành kinh tế; trong đó, có lĩnh vực bất động sản.

Kinh doanh bất động sản là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam và cần nhiều vốn đầu tư, nhưng thực tế không nhiều các nhà đầu tư trong nước có đủ tiềm lực tài chính như Tập đoàn Vingroup, FLC...

Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào lĩnh vực này trong những năm qua và là ngành luôn giữ vị trí thứ 3 đến thứ 2 trong thu hút đầu tư nước ngoài trong nhiều năm, kể năm 2008 trở lại đây.

- Mặc dù vậy, cũng không ít doanh nghiệp nước ngoài khi rót vốn vào lĩnh vực bất động sản vẫn còn e ngại các thủ tục đầu tư, nhất là liên quan đến thủ tục hành chính. Thay vì đầu tư trực tiếp, họ phải đi đường vòng bằng cách chuyển nhượng các dự án. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Vụ trưởng Nguyễn Việt Phong: Hiện, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang bị điều chỉnh bởi nhiều bộ luật như: Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh nhà ở, Luật Đất đai, Luật Bất động sản, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư...

Mặc dù, nhiều nút thắt về thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư cũng liên tục được tháo gỡ, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, tuy nhiên thời gian thẩm định đối với các dự án bất động sản vẫn còn kéo dài, điều này đã ảnh hưởng không ít đối với quyết định đầu tư của các chủ đầu tư đang có ý định đầu tư vào thị trường bất động sản của Việt Nam.

Thị trường bất động sản hiện nay vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, rào cản đặc biệt là rào cản về pháp lý, thủ tục hành chính. Đó là: hệ thống các văn bản pháp lý còn chưa đồng bộ; hành lang pháp lý điều chỉnh thị trường bất động sản chậm được hoàn thiện, còn chồng chéo; nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, bất cập của chính sách nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời dẫn đến thị trường bất động sản chưa được quản lý và kiểm soát một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách về tài chính, đất đai, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có nhiều thay đổi và thiếu sự nhất quán, chưa rõ ràng.

Các cơ quan chức năng chậm phê duyệt cấp phép xây dựng dự án hay tạm dừng dự án đang triển khai để rà soát, kiểm tra,... là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung bất động sản, kéo theo lượng giao dịch bất động sản cũng giảm theo; tín dụng trong lĩnh vực bất động sản luôn bị kiểm soát, thắt chặt, bởi cho vay bất động sản có hệ số rủi ro cao (tình trạng bong bóng bất động sản).

Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, do vậy thu hút đầu tư nước ngoài có xu hướng ngày càng tăng; trong đó, có lĩnh vực bất động sản.

Tuy nhiên ở thị trường Việt Nam, tính minh bạch thông tin của thị trường chưa cao, đã phần nào gây cản trở cho quá trình đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản. Do vậy, việc tìm nguồn cung sạch và minh bạch sẵn sàng để đầu tư vẫn đang là thách thức cho các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài thay vì đầu tư trực tiếp thì lại đi đường vòng bằng cách chuyển nhượng các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đã xong các thủ tục pháp lý để triển khai dự án, qua đó sẽ rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư cũng như tăng hiệu quả đồng vốn đầu tư.

- Vậy ông có kiến nghị những giải pháp gì để “gỡ khó” nhằm tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới?

Vụ trưởng Nguyễn Việt Phong: Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này, theo tôi, Việt Nam cần có những điều chỉnh phù hợp; chẳng hạn như: đối với Luật Quy hoạch mới để đất đai được sử dụng một cách hiệu quả và phát triển bền vững cần thống nhất các nội dung điều chỉnh có liên quan giữa các luật như: Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai.

Đồng thời, cần sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật liên quan đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lặp nhằm triển khai nhanh các dự án theo tiến độ.

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu ban hành hệ thống pháp lý đối với các loại hình bất động sản đặc thù như condotel, đảm bảo được lợi ích hài hòa của các bên, đặc biệt là vấn đề sở hữu tài sản; đồng thời, tích cực thúc đẩy và giải ngân nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn vốn nước ngoài (ODA) đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng như hệ thống đường cao tốc quốc gia, hệ thống sân bay quốc tế và trong nước.

Riêng với đầu tư công cần đảm bảo nguồn vốn phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa để phát triển thị trường bất động sản.

Cùng với đó, các cơ quan tập trung nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai 2013 với các định hướng về giao đất, cho thuê đất, đăng ký, thống kê, định giá và áp giá theo hướng ứng dụng công nghệ 4.0; đồng thời, tập trung tháo gỡ các rào cản tiếp cận đất đai của các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp...

Ngoài ra, các cơ quan liên quan cần tiến hành rà soát, có chế tài các dự án bất động sản chậm triển khai hoặc không triển khai để thu hồi nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, cần phải kiểm soát dòng tiền nước ngoài đổ vào bất động sản Việt Nam một cách hợp lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động của thị trường này.

- Theo ông, thời gian tới thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục được duy trì như thế nào?

Vụ trưởng Nguyễn Việt Phong: Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, vì vậy để có thể hội nhập hiệu quả cũng như tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng nhằm thu hút đầu tư, thương mại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế-xã hội thì điều quan trọng nhất là cần có một hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thông thoáng, phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Hiện nay, Quốc hội đang triển khai xây dựng và sửa đổi rất nhiều luật; trong đó có các luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam sẽ có những chính sách phù hợp trong từng giai đoạn đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể; trong đó có lĩnh vực bất động sản...

Với những tín hiệu tích cực từ Chính phủ, tôi cho rằng, thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản có thể sẽ tiếp tục được duy trì là “mảng sáng” trong thời gian tới.

- Phóng viên: Xin cám ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục