Tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định xây dựng nông thôn mới là chặng đường dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Vì vậy, trên cơ sở kết quả đạt được sau 10 năm đầu triển khai thực hiện chương trình, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã đề ra những mục tiêu và giải pháp cho chặng đường mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Diện mạo nông thôn khởi sắc
Từ việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động được sức dân và kịp thời có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, sau 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ở Vĩnh Phúc có nhiều khởi sắc, đời sống của bà con ngày càng được nâng cao.
Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, năm 2010, Vĩnh Phúc mới có 14 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 80 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân mỗi xã đạt 6,6 tiêu chí.
Bên cạnh đó, hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhân lực khu vực nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn tuy được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn...
Đứng trước những khó khăn này, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 31 về cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành 41 Quyết định cụ thể hóa nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh.
Tỉnh đã thành lập và thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo xây thực hiện Chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã, thôn. Cùng với đó, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động sức dân cùng tham gia Chương trình.
Đến nay, sau 10 năm thực hiện chương trình, toàn tỉnh đã huy động được 12.897 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, trong đó, Trung ương hỗ trợ 101 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 7.800 tỷ đồng, nguồn tín dụng trên 3.200 tỷ đồng, doanh nghiệp đóng góp trên 150 tỷ đồng và người dân đóng góp hơn 635 tỷ đồng.
Sự đổi mới, sáng tạo, với nhiều cách làm khác nhau phù hợp với từng địa phương, Vĩnh Phúc đã thu được “trái ngọt” sau 10 năm nỗ lực triển khai thực hiện từng tiêu chí theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm và dễ làm trước, khó làm sau.
Đến nay, toàn tỉnh có 109/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 huyện, thành phố là Yên Lạc, Vĩnh Yên, Bình Xuyên, Phúc Yên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Về mức độ đạt chuẩn các tiêu chí.
[Vĩnh Phúc: Phát triển công nghiệp hỗ trợ và nông thôn]
Hết tháng 10/2019, có 112/112 xã đạt chuẩn 13 tiêu chí gồm Quy hoạch, thủy lợi, điện, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, quốc phòng và an ninh; 111/112 xã đạt 4 tiêu chí giao thông, trường học, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 110/112 xã đạt 2 tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật...
Việc xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa đạt nhiều kết quả tích cực. Trong quá trình lập, phê duyệt và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các xã nằm ngoài vùng nhưng có tốc độ đô thị hóa cao đã chú trọng và thực hiện tốt việc quy hoạch và triển khai thực hiện các điểm, khu dân cư mới có tiềm năng, đáp ứng nhu cầu bố trí dân cư mới trên địa bàn và khu đô thị lân cận.
Các xã nằm trong vùng đô thị đã chú trọng công tác cải tạo, mở rộng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp thoát nước, xây dựng khu dân cư theo hướng đô thị. Thương mại, dịch vụ ở khu vực nông thôn ngày càng phát triển, với 99% xã có chợ trong quy hoạch được xây dựng, cải tạo đưa vào sử dụng.
Đặc biệt, cùng với nỗ lực để có 100% xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm nay, Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, với nhiều chương trình, đề án, dự án cụ thể nhằm dịch chuyển cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lao động khu vực nông thôn; xây dựng các vùng chuyên canh, các khu chăn nuôi tập trung với những mô hình liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của người dân khu vực nông thôn.
6.890 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2
Với những bước đi bài bản và có lộ trình rõ ràng, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019 và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2020.
Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 100% huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; 30% số thôn được công nhận đạt chuẩn thôn dân cư nông thôn kiểu mẫu…
Theo đó, tỉnh sẽ dành khoảng 6.890 tỷ đồng đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020.
Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đang rà soát, điều chỉnh và ban hành Bộ tiêu chí của tỉnh quy định thực hiện xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 theo hướng tách biệt rõ các nhóm tiêu chí bắt buộc và nhóm tiêu chí vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của từng vùng.
Tỉnh nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới theo hướng lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu đầy đủ bản chất nhân văn của xây dựng nông thôn mới, quán triệt tư tưởng “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng có điểm kết thúc.”
Đồng thời, tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững gắn với huy động tốt các nguồn lực để đảm bảo xây dựng nông thôn mới trở thành nơi đáng sống, chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn được nâng cao với tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,1%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%.
Mỗi xã một làng nghề - Sức bật cho nông thôn mới bền vững
Sau hành trình 10 năm xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Phúc đã thu nhiều “trái ngọt” quan trọng. Giờ đây, chính quyền và người dân các địa phương trong tỉnh đang hướng đến mục tiêu cao hơn là phát huy lợi thế sẵn có để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, từng bước đưa nông thôn mới phát triển theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được kỳ vọng sẽ tạo nên sức bật mới để thực hiện thành công mục tiêu này.
Được khởi động tại tỉnh Quảng Ninh từ năm 2013, đến nay, Chương trình OCOP đã mở rộng, phát triển trên phạm vi cả nước với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
Tại Vĩnh Phúc, tuy mới ở giai đoạn đầu triển khai thực hiện song mỗi địa phương đang có những cách làm phù hợp nhằm khai thác tốt các tiềm năng lợi thế sẵn có để đạt mục tiêu phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân.
Thời gian gần đây, tỉnh đang chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai thực hiện chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, đặc biệt là tạo ra sản phẩm đặc trưng để xây dựng thương hiệu, nhân rộng sản xuất.
Trong giai đoạn 2018-2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã lựa chọn 13 sản phẩm chủ lực tham gia thí điểm chương trình OCOP, chia thành 2 nhóm là sản phẩm thực phẩm và sản phẩm thảo dược, trong đó, nhóm sản phẩm thực phẩm bao gồm thanh long ruột đỏ Lập Thạch; rau su su Tam Đảo; chuối tiêu hồng Yên Lạc; rau an toàn Vĩnh Tường, Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Yên; dưa chuột an toàn Tam Dương, gạo Long Trì, Tam Dương; trứng gà an toàn Tam Dương, thịt gà an toàn Tam Dương, Tam Đảo; thịt lợn thảo dược, thịt lợn an toàn Phúc Yên; rắn và các sản phẩm chế biến từ rắn Vĩnh Sơn; nhóm sản phẩm thảo dược là trà hoa vàng và ba kích Tam Đảo.
Tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến hết năm 2020, các sản phẩm tham gia chương trình đạt từ 3 sao trở lên.
Tuy nhiên, theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, kết quả thống kê, rà soát sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP cho thấy nhiều sản phẩm trong nhóm nông sản còn đại trà, chưa mang nét đặc trưng của địa phương; thị trường tiêu thụ của phần lớn sản phẩm ở phạm vi hẹp, quy mô sản xuất còn hạn chế; việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức…
Để giải bài toán này, ngành nông nghiệp tỉnh đang sát cánh cùng các ngành liên quan, các cấp chính quyền trong tỉnh xây dựng lộ trình phát triển OCOP hợp lý, sát với điều kiện thực tiễn.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chương trình được triển khai hiệu quả, sẽ tập trung hỗ trợ các dự án phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng nhằm tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có gắn với xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
Đặc biệt, tỉnh sẽ quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực cho phát triển các sản phẩm làng nghề theo đúng mục tiêu chương trình OCOP hướng tới đó là: Nhà nước chỉ định hướng và tạo cơ chế, còn người dân là chủ thể sáng tạo để có những sản phẩm mang tính đặc trưng, góp phần gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh trong nước cũng như tham gia vào các chuỗi giá trị xuất khẩu ra nước ngoài./.