Tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng - cách tiếp cận nhân văn đối với Cù Lao Chàm

Cộng đồng, chính quyền cùng các bên liên quan đang nỗ lực thực hiện 3 chức năng bảo tồn, hỗ trợ và phát triển để Cù Lao Chàm đáp ứng 7 tiêu chí của một khu sinh quyển được UNESCO công nhận.
Khách du lịch ở Cù Lao Chàm. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được đánh giá là minh chứng rõ nét về sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên.

Tại đây, cộng đồng, chính quyền cùng các bên liên quan đang nỗ lực thực hiện 3 chức năng bảo tồn, hỗ trợ và phát triển để đáp ứng 7 tiêu chí của một khu sinh quyển được UNESCO công nhận.

Việc tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng được xem là cách tiếp cận nhân văn để bảo vệ và phát huy giá trị của Khu dự trữ sinh quyển quý giá này.

Kết nối hài hòa giữa thiên nhiên và con người

Nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn, kết nối với quần đảo Cù Lao Chàm, Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An có đại diện đầy đủ các kiểu hệ sinh thái tự nhiên dọc các nhánh sông, vùng ven biển, ra đến quần đảo Cù Lao Chàm.

Không gian rộng lớn này đã tạo ra cảnh quan sinh thái trên cạn, dưới nước, bao bọc lấy phố cổ Hội An, tạo nên một khu sinh quyển đặc trưng về sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người.

Ngày 26/5/2009, tại đảo Jeju, Hàn Quốc, Ủy ban Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Cù Lao Chàm-Hội An là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới với những giá trị độc đáo, đặc trưng về giá trị kết nối giữa thiên nhiên và văn hóa, một minh chứng điển hình, rõ nét nhất về sự kết nối, hài hòa giữa thiên nhiên và con người.

Bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Phó Trưởng Ban Thường trực Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm-Hội An chia sẻ Khu Sinh quyển Cù Lao Chàm-Hội An đã hình thành bộ máy, cơ chế quản lý và điều phối các hoạt động theo cách tiếp cận quản lý tổng hợp, đa ngành nghề, mục tiêu, tiếp cận hệ sinh thái, lưu vực sông, đường bờ và hải đảo nhằm bảo tồn, phát huy tốt các giá trị đặc trưng nổi trội của địa phương nhưng mang tầm ý nghĩa toàn cầu, đáp ứng sự kỳ vọng của UNESCO.

Kết quả này khẳng định vị thế, tạo niềm tin, sự yêu mến của du khách, bạn bè quốc tế, động lực cho người dân cũng như chính quyền quyết tâm hơn trong việc xây dựng thành phố di sản Hội An đẹp về cảnh quan, giàu có tài nguyên thiên nhiên, nhân văn, tương xứng với tầm và sứ mệnh của một thành phố di sản.

Nổi bật trong công tác bảo vệ môi trường Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm là thành phố xây dựng và áp dụng hiệu quả “Đề án bảo vệ môi trường thành phố Hội An giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030."

Điển hình như Chương trình Cù Lao Chàm nói không với túi nylon, hướng tới cả thành phố giảm thiểu ống hút nhựa và sản phẩm nhựa dùng một lần; sự liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) trong câu chuyện cua đá Cù Lao Chàm; mô hình Tiểu khu đồng quản lý Bảo tồn biển thôn Bãi Hương; Chương trình Em yêu di sản và chương trình truyền thông về Khu Dự trữ Sinh quyển Cù Lao Chàm-Hội An được đưa vào chương trình ngoại khóa cho học sinh trung học cơ sở trên địa bàn thành phố đã làm cho Hội An ngày càng tạo được thiện chí với du khách trong nước và quốc tế.

Đây chính là nền tảng để Hội An hướng đến mục tiêu cao nhất là xây dựng thành phố theo hướng sinh thái-văn hóa-du lịch.

Ngày nay, dưới áp lực phát triển kinh tế-xã hội, sự phát triển du lịch ồ ạt, trong bối cảnh diễn biến thời tiết khắc nghiệt, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng, nguy cơ mất đi nhiều sinh cảnh và các hệ sinh thái. Do đó, việc tìm ra phương pháp tiên tiến, giải pháp tối ưu để bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên trong tính liên kết sinh thái trong và ngoài phạm vi khu bảo tồn là nhu cầu cần thiết, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm Trần Thị Hồng Thúy đề xuất.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn, Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm-Hội An đã thực hiện tốt ba chức năng gồm: đóng góp vào việc bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái, loài và vốn gene; hỗ trợ các dự án, giáo dục môi trường, đào tạo, nghiên cứu, giám sát các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững quy mô địa phương, khu vực, quốc gia và toàn cầu; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và sinh thái bền vững, đồng thời thực hiện bảo tồn hiệu quả bảy tiêu chí được UNESCO công nhận.

Đó là khu vực đại diện các hệ sinh thái của các vùng địa lý sinh vật chính; bảo tồn đa dạng sinh học; nơi cung cấp cơ hội để trình diễn phương thức phát triển bền vững quy mô khu vực; có diện tích đủ lớn để thực hiện 3 chức năng của Khu sinh quyển; được phân vùng cụ thể, gồm vùng lõi-vùng đệm-vùng chuyển tiếp; có sự tham gia của chính quyền, ban, ngành, hiệp hội, kinh tế tư nhân và cộng đồng địa phương; có cơ chế, trách nhiệm quản lý trong sử dụng nhân lực, tài nguyên.

Tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng

Giám đốc Công ty Jack Tran Tours Trần Văn Khoa chia sẻ thành phố Hội An nói chung và các điểm đến như Cù Lao Chàm, Cẩm Thanh và Cẩm Kim nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả mọi mặt, trong đó quan trọng nhất là phát triển kinh tế du lịch.

Cộng đồng dân cư Cù Lao Chàm có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ kinh tế nông nghiệp thuần túy, khai thác thủy sản, tài nguyên mang tính tận diệt đã chuyển sang hình thức sản xuất sử dụng tài nguyên bền vững gắn kết với du lịch theo phương thức “du lịch sinh thái," "du lịch học tập cộng đồng." Điều này giúp người dân ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, từ đó cộng đồng tích cực tham gia bảo tồn tài sản vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng, ông Trần Văn Khoa nhận định.

Vừa kinh doanh dịch vụ du lịch, vừa tham gia tổ công tác cộng đồng bảo vệ tài nguyên biển đảo, anh Trần Nhật Sinh ở xã đảo Tân Hiệp cho biết nổi trội nhất trong các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của xã đảo Tân Hiệp là từ nền ngư nghiệp manh mún đã thay đổi nhanh chóng theo hướng dịch vụ du lịch dựa trên nền tảng bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, lồng ghép nguồn tri thức bản địa trong sự kết nối mật thiết với vùng cửa sông Thu Bồn và Di sản Văn hóa Thế giới Khu phố cổ Hội An.

Khu bảo tồn biển và Khu dự trữ sinh quyển đã giúp cuộc sống của người dân trên đảo không ngừng được cải thiện. Người dân nhận thức được rằng “tài nguyên chính là nguồn sống của họ."

Đơn cử, từ các hộ khai thác thủy sản bằng thuốc nổ, nhiều ngư dân khai thác cả san hô, cây rừng bất hợp pháp, sau khi tham gia các hoạt động của bảo tồn biển và khu sinh quyển, họ thay đổi nhận thức, hành vi và trở thành những cộng tác viên tích cực trong truyền thông, phối hợp tuần tra, kiểm soát khai thác thủy sản, lâm sản, tham gia tích cực vào các hoạt động nghiệp vụ khác như, trồng rừng, cấy ghép san hô, vệ sinh đáy biển, anh Sinh chia sẻ.

Chăm sóc yến non ở Cù Lao Chàm. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg, ngày 17/1/2024, Khu sinh quyển Cù Lao Chàm-Hội An được xác định là trung tâm của mạng lưới các khu bảo tồn đất ngập nước ven biển liên kết với các khu bảo tồn phía Tây của tỉnh thông qua tiếp cận lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn.

Tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung tổ chức hoạt động phục hồi đa dạng sinh học tầm quốc gia, quốc tế đến các hoạt động cụ thể, thiết thực của cộng đồng cư dân, mỗi gia đình, người dân nhằm cụ thể hóa việc phát triển bền vững, phát triển xanh, hòa giữa phát triển với bảo vệ môi trường theo Quy hoạch của tỉnh, gắn với Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái 2021-2030 của Liên hợp quốc, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế tại Hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học.

Quyết định của Thủ tướng được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để tỉnh Quảng Nam nói chung và Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An nói riêng phát triển lên tầm cao mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục