Tạo nền tảng kết nối nền kinh tế ASEAN từ công nghệ kỹ thuật số

Theo các chuyên gia, việc hợp tác xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số tích hợp sẽ tạo nhiều cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ASEAN.
Tạo nền tảng kết nối nền kinh tế ASEAN từ công nghệ kỹ thuật số ảnh 1Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore S Iswaran phát biểu tại Diễn đàn ASEAN và châu Á lần thứ 9. (Ảnh: Mỹ Bình/Vietnam+)

Tại Diễn đàn ASEAN và châu Á lần thứ 9 vừa diễn ra tại Singapore vào đầu tuần qua, các chuyên gia nhấn mạnh rẳng Đông Nam Á là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới thông qua Internet và việc hợp tác để xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số tích hợp sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực "mở khóa" tăng trưởng.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ thương mại và Công nghiệp Singapore S Iswaran nhấn mạnh rằng cuộc các mạng kỹ thuật số và những nền kinh tế số mới nổi sẽ là nền tảng để tạo sự kết nối trên toàn khu vực Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung. Đây cũng là xu hướng phát triển mới hiện nay đồng nghĩa với việc tích hợp kỹ thuật số trong khu vực sẽ tạo ra dòng chảy xuyên biên giới của các dữ liệu cũng như cập nhật các phương pháp quản lý để tạo thuận lợi cho thương mại điện tử phát triển.

Điều này cũng cho phép các doanh nghiệp nhỏ có thể thâm nhập thị trường nước ngoài mà không nhất thiết phải hiện diện ở quốc gia đó hay cho phép họ tăng khả năng cạnh tranh một cách hiệu quả hơn với các công ty lớn.

Theo ông Simon Tay, Chủ tịch Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế-Đại học Quốc gia Singapore thì câu hỏi đặt ra hiện nay là làm sao để các nước ASEAN kết nối được cùng nhau. "Để làm được điều này thì việc quan trọng không chỉ đơn giản là kết nối về kết cấu hạ tầng theo ý nghĩa thông thường, mà quan trọng hơn là sự kết nối về hạ tầng kỹ thuật số nhằm tạo nền tảng cho việc thúc đẩy liên kết tạo ra các mô hình hợp tác kinh tế mới," ông Simon Tay nói.

Cũng theo ông Simon Tay thì đằng sau những vấn đề về biên giới, các tiêu chuẩn hóa thì còn là những yếu tố kết nối về địa lý. Nếu cắt giảm các dòng thuế song chi phí về các dịch vụ kho vận tại các nước ASEAN lại quá cao, thậm chí là tại một nước như Indonesia hay các quốc gia khác sẽ dẫn đến làm giảm khả năng cạnh tranh. Điều này đòi hỏi bắt buộc các quốc gia phải tính toán giảm chi phí để có thể trở nên cạnh tranh hơn trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc nền kinh tế để tạo sự phát triển một cách bền vững trong toàn khu vực châu Á nói chung và ASEAN nói riêng. Trong quá trình này, việc học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau cũng tạo nền tảng cho việc tăng cường kết nối, thúc đẩy sáng tạo những mô hình kinh tế mới hiệu quả và năng động hơn.

Ông Michael Michalak, Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN nhận định rằng việc Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á đang đưa ra những gói kích thích tăng trưởng trưởng kinh tế, sẽ có tác động tích cực tới các nước khác trong khu vực.

Cùng thời điểm thì nhiều nước khác ở châu Á, trong đó có Việt Nam cũng đang trong quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. "Tôi cho rằng đây là hướng đi đúng đắn để đảm bảo tăng trưởng một cách bền vững trong tương lai và cũng là sự lựa chọn của các nền kinh tế trong khu vực," ông Michael Michalak nhìn nhận.

Tham gia thảo luận tại diễn đàn lần này, tiến sỹ Ngô Duy Ngọ - Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao), cho biết nhiều nước đặc biệt quan tâm tới việc tại sao Việt Nam là một nước kém phát triển hơn so với tất cả các nước thành viên khác của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) song vẫn tham gia vào hiệp định này; trong đó một số quốc gia như Thái Lan, Philippines đặc biệt quan tâm để học hỏi kinhh nghiệm.

Bên cạnh việc chia sẻ về những thách thức cũng như cơ hội khi tham gia TPP, tiến sỹ Ngô Duy Ngọ cho rằng Việt Nam có thể học hỏi được kinh nghiệm từ Singapore, bởi đây là quốc gia tham gia khá nhiều vào các hiệp định thương mại tự do và cũng là thành viên của TPP.

Mặc dù là một nước không có tài nguyên, dân số ít, song Singapore đã tận dụng được một cách hiệu quả những ưu đãi mà các hiệp định thương mại tự do mang lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục